Năm 1890, Oscar Wilde ra mắt cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình và đã gây sốc với văn đàn Anh bấy giờ.
Trong suốt hơn 100 năm sau, cuốn tiểu thuyết Bức họa Dorian Gray nổi tiếng trên toàn thế giới, trở thành tác phẩm tiêu biểu cho quan niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật" và được đông đảo công chúng đón nhận.
Bức họa Dorian Gray của văn hào Anh Oscar Wilde kể về cuộc đời của chàng trai Dorian Gray - người sở hữu vẻ đẹp ngoại hình đầy mê hoặc - trong mối quan hệ với họa sĩ Basil Hallward và quý tộc Henry Wotton.
Trong niềm say mê vẻ ngoài của chàng thanh niên trẻ trung, Basil đã vẽ nên bức chân dung Dorian Gray, để rồi bức họa đó đã thay Dorian lưu lại tất cả những gì xấu xí nhất, suy đồi nhất mà anh đã làm. Nhờ bức họa, dù hưởng thụ lối sống sa đọa và xấu xa, Dorian vẫn giữ mãi được dáng vẻ ngây thơ, tươi trẻ của mình cho đến khi lìa đời.
Cuốn tiểu thuyết của Oscar Wilde khai thác môtíp quen thuộc là "giao kèo với quỷ dữ". Mặc dù đây không phải môtíp mới, nhưng Oscar Wilde vẫn đem đến cho độc giả một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ.
Từ đầu đến cuối, tác giả tập trung mô tả vẻ đẹp trong sáng, ngây thơ, tươi trẻ của Dorian khi anh ta sống và yêu, đồng thời cũng mô tả cả sự suy đồi của vẻ trong sáng, ngây thơ, tươi trẻ ấy ẩn hiện qua bức chân dung mà Basil vẽ khi Dorian sa đọa về cả đạo đức và lối sống. Càng sa đọa, Dorian càng trẻ đẹp, bức họa càng tồi tàn.
Toàn bộ tác phẩm không nhấn mạnh đến lợi ích hay tác hại của "sự giao kèo", mà khiến người đọc trăn trở về nghệ thuật và cái đẹp: Thế nào là cái đẹp? Cái đẹp có đi liền với đạo đức không? Cái đẹp có chức năng hay tác dụng gì? Cái đẹp tồn tại độc lập hay phụ thuộc vào người ngắm?
Khi Dorian nhìn vào chính mình trong bức chân dung đã tàn tạ đến mức khủng khiếp, cậu quyết định dùng dao hủy đi bức tranh.
Thế nhưng bức tranh có bị hủy hoại hay không, vẻ đẹp đích thực có bị hủy hoại hay không, người đọc khó lòng trả lời được. Bởi cuối cùng, thứ mà mấy người làm công nhìn thấy trong phòng không phải một bức tranh bị đâm nát, mà là một Dorian mang vẻ tàn ác và nhàu nát vô cùng.
Nếu Basil là đại diện cho người nghệ sĩ truy cầu cái đẹp và tình cảm mù quáng khi đứng trước vẻ đẹp bên ngoài, Henry đại diện cho sự châm biếm cùng cực đối với con người và xã hội đương thời, thì nhân vật Dorian Gray vừa là đại diện dễ thấy nhất cho cái đẹp, nhưng anh ta cũng là đại diện rõ ràng nhất cho con người: vừa mang vẻ đẹp hoàn hảo, lại vừa mang khả năng suy đồi rõ ràng nhất.
Còn bức họa Dorian đại diện cho điều gì, đây là điều mỗi người đọc cần tự mình khám phá.
Không chỉ lưu giữ nét đẹp cổ điển của ngôn ngữ Anh thế kỷ 19, những vấn đề về nghệ thuật và nhân sinh từng được đề cập trong sách cho đến nay cũng vẫn còn nguyên giá trị.
***
Bức Chân dung Dorian Gray đưa người đọc nhận ra những điều kích sâu lắng, phức tạp và thiêng liêng hơn của thân phận con người. Dorian Gray, nhân vật chính của tiểu thuyết, với những khác khao ích kỷ của bản năng và trăn trở của mặc cảm, ngộ nhận; những cám dỗ cố hữu của nhục thể và sự kháng cự quyết liệt của tinh thần, những cú trượt ngã không phanh, những nổ lực trong tuyệt vọng, và cả sự tự vấn, phản tỉnh... tất cả đang quyện vào nhau như một bức thảm được dệt nên bằng những sợi chỉ tối tăm hoảng loạn nhuộm bằng máu.
Chân dung Dorian Gray là hành trình đi tìm lương tâm của một chàng trai trẻ. Đây là một hành trình của những cung bậc cảm xúc: tâm tư giằng xé, trượt qua những dằn vặt tàng khốc, giãy dụa vật vã, đối diện với những thử thách cám dỗ giữ dội để tìm cái đẹp, cái thiện...
***
Oscar Wilde, tên đầy đủ là Oscar Fingal O'Flahertie Wills Wilde, là một nhà văn nổi tiếng của Ireland. Ông ra đời tại Dublin, Ireland, ngày 16 tháng 10 năm 1854 và mất tại Paris vì viêm não, ngày 30 tháng 11 năm 1900. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một nghi vấn đối với các nhà khoa học.
Cha Oscar Wilde là Sir William Robert Wills Wilde, một bác sĩ phẫu thuật và nhà khảo cổ học Ireland được phong tước Hiệp sĩ (Knight). Mẹ ông là bà Jane Francesca Elgee, nhà thơ theo chủ nghĩa dân tộc. Cả hai đều là người Ailen.
Oscar Wilde tốt nghiệp trường Trinity College tại Dublin với kết quả học tập xuất sắc. Sau đó, ông tiếp tục học tại trường Magdalen Oxford. Ở trường đại học ông là một học giả xuất sắc và là một nhà thơ đầy hứa hẹn. ông được biết đến như một nhà mĩ học nổi bật, ông còn là người đầu tiên giảng giải về phong trào nghệ thuật vị nghệ thuật lúc bấy giờ. nổi tiếng về tài tranh luận và phong cách ăn mặc lịch lãm. Điều này khiến ông bị các bạn học trêu chọc và ông đã không ngần ngại tự vệ bằng... nắm đấm, cách phản ứng phần nào trái ngược với hình ảnh công tử bảnh bao mà ông để lại.
***
Ngài sẽ làm một người tốt à? Huân tước Henry nói. “Đừng nói thế. Hiện giờ, ngài đã là một người tuyệt vời rồi. Xin đừng thay đổi.” Những ngón tay dài, trắng của ông nghịch ngợm một bông hoa trên bàn. Ở London đang là mùa xuân, và hai người đang dùng bữa tối tại nhà của Huân tước Henry.
Dorian Gray lắc đầu. “Không, Harry, tôi đã làm quá nhiều việc kinh khủng trong đời, và tôi sẽ phải thay đổi. Hôm qua tôi đã bắt đầu sống tốt, ở quê.”
“Anh bạn trẻ của tôi ơi,” Huân tước Henry mỉm cười. “Mọi người đều có thể sống tốt ở quê. Ở quê chẳng có việc gì để làm cả, nên người ta không có cơ hội để làm điều xấu. Nhưng nói cho tôi nghe xem, ngài đã bắt đầu cuộc sống tốt của ngài như thế nào nào?”
“Có một người con gái ở cái làng kia. Một người con gái rất đẹp, một cô gái quê chất phác. Nàng ta yêu tôi và sẵn sàng đi theo tôi, nhưng tôi đã nói không. Tôi đã từ chối hủy hoại cuộc đời non trẻ của nàng và đã giữ cho nàng được chất phác chân thật như khi tôi mới gặp nàng.”
Huân tước Henry cười. “Ngài đã để lại cho cô ta một trái tim tan nát thì đúng hơn. Làm sao mà cô ta còn có thể tìm được hạnh phúc với một anh chàng nhà quê sau khi cô ta đã quen biết ngài?”
“Đừng, Harry!” Dorian kêu lên. “Ông không bao giờ nghiêm túc được sao? Bây giờ tôi thấy hối hận là đã cho ông biết chuyện này. Chúng ta hãy nói chuyện khác đi. Đã xảy ra những gì ở London?”