Trong thế kỷ 21, công nghệ lao nhanh về phía trước, nhân loại sáng tạo ngày càng nhiều phát minh mới để cải thiện cuộc sống, nhưng điều này không có nghĩa con người trở nên thông minh hơn và có trách nhiệm hơn. Trong “Tin nóng", Dmitry Glukhovsky đã đẩy tình huống đến mức phi lý, khéo léo che giấu những chủ đề đau đớn dưới phép ẩn dụ về sự xuất hiện của một nền văn minh khác...
Anna Starobinets viết về những thứ hoàn toàn khác nhau, chạm đến nhiều vấn đề: gia đình, tôn giáo, du hành về quá khứ, người ngoài hành tinh, việc nuôi dạy trẻ em và sự du cư của linh hồn. Nhưng tất cả những vấn đề này không nằm trong các cốt truyện thông thường, mà là theo cách riêng của cô, độc đáo, hoàn toàn không giống bất cứ thứ gì. Truyện ngắn "Người thực" nằm trong tuyển tập Tuổi giao thời, cuốn sách chứa đựng tất cả những gì cần có của văn chương kinh dị thực sự - những chi tiết đóng băng tâm hồn, đen tối trong sự mù mờ đa nghĩa của nó, những trò chơi và thủ thuật tâm lý, cái chết, huyền thoại...
Truyện ngắn "Rừng" của Zakhar Prilepin được giới thiệu trong tuyển tập này là một tự truyện, chất đầy những gam màu cảm xúc và trải nghiệm của một cậu bé nhớ về cha mình, với tình yêu thương vô bờ, qua lăng kính của chuyến phiêu lưu trên một dòng sông giữa khu rừng đáng kinh ngạc và sợ hãi... Zakhar Prilepin có thể rất khác biệt, một số nhà phê bình chỉ ra phong cách nam tính mạnh mẽ, ngòi bút nam tính mạnh mẽ của ông, trong khi những người khác gọi tác phẩm của ông là văn xuôi dịu dàng nhất, tinh tế nhất, tao nhã nhất...
Trong "Vết mực của Nabokov", chỉ trên vài trang giấy, trước mắt chúng ta thoáng qua một cuộc đời, thậm chí vài cuộc đời. Tiếp tục các chủ đề truyền thống của văn học Nga, với sự chú trọng đến các khía cạnh đạo đức của thế giới quan, Mikhail Shishkin cho thấy hai nhận thức khác nhau với những giá trị khác nhau và sự chọn lựa con đường của mỗi người. Giấy quỳ trong câu chuyện là thái độ đối với Nabokov, người mà hình ảnh chạy xuyên suốt toàn bộ cốt truyện, làm cho tác phẩm trở nên trọn vẹn.