“Có lẽ không có nền văn học nước ngoài nào mà kinh nghiệm hiện đại của nó lại gần gũi đối với Việt Nam như văn học Nga. Khảo sát những vấn đề của Văn học Nga hiện đại cũng là để góp phần nhìn lại những vấn đề và những giá trị của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX”
Văn học Nga hiện đại là một khái niệm thoạt nghe quen thuộc, tưởng không gây băn khoăn, nhưng thực chất khá phức tạp, cần có những giới thuyết.
Trước hết, đó là hai chữ “hiện đại”. Lịch sử văn học Nga, theo truyền thống, được chia thành hai thời kỳ lớn: văn học Nga cổ (древнерусская литература, thế kỷ XI - XVII) và văn học Nga thời đại mới (русская литература нового времени, từ thế kỷ XVIII). “Văn học Nga cổ” nhiều khi được thay thế bằng “văn học trung đại Nga”, còn khái niệm “thời đại mới” (новое время) của văn học Nga có thể tương ứng với “modern age” của phương Tây, nhưng không hoàn toàn đồng nhất. “Modern age” có thể bao hàm cả giai đoạn chủ nghĩa hiện đại (modernism), mà trong tiếng Nga gọi là “новейшее время” (thời đại mới nhất). Từ “эпоха модерна” của tiếng Nga cũng chỉ dùng cho “thời đại mới nhất” này, tức chủ yếu từ đầu thế kỷ XX.
Bởi vậy, khái niệm “văn học Nga hiện đại” mà chúng tôi sử dụng trong cuốn sách này sẽ được hiểu chủ yếu là văn học Nga thế kỷ XX, với mốc khởi đầu có thể có sự xê xích về thời gian ra trước hoặc sau mốc 1900 trên dưới một thập kỷ, nhưng đều được đánh dấu bởi: (1) về phương diện lịch sử xã hội là những biến cố cách mạng, với đỉnh điểm là Cách mạng vô sản Tháng Mười năm 1917; (2) về phương diện văn họclà sự thay thế chủ nghĩa hiện thực truyền thống bằng các trào lưu văn học mới có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống văn học của cả thế kỷ XX.
Văn học hiện đại là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình lịch sử văn học Nga, là giai đoạn phát triển trong điều kiện dân tộc Nga và các dân tộc anh em trong đế quốc Nga cũng như trong Liên bang Xô viết sau đó trải qua những biến động, những thử thách lớn lao. Đất nước trở thành một cường quốc trên thế giới, một cộng đồng đa dân tộc liên hiệp thống nhất, rồi lại khủng hoảng, tan rã, ly khai.