Trong hơn 300 năm lịch sử, vùng đất Nam bộ đã xuất hiện bốn dòng sản phẩm gốm chính yếu: Gốm Cây Mai ở Đề Ngạn/Sài Gòn xưa, gốm Sài Gòn ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, gốm Lái Thiêu ở Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) và gốm Biên Hòa do trường Mỹ nghệ Biên Hòa tạo tác. Trong đó gốm Lái Thiêu là dòng gốm gia dụng với nhiều sản phẩm và chủng loại đã đáp ứng cho phần lớn nhu cầu thiết thực của đông đảo công chúng, không chỉ ở Nam bộ mà còn cả Trung bộ và Cam-bốt.
Gốm Lái Thiêu là tên gọi chung các sản phẩm gốm khác nhau được sản xuất từ khu vực Tân Khánh, Bà Lụa, Hưng Định và Lái Thiêu. Sở dĩ chúng được gọi chung là gốm Lái Thiêu là bởi phần lớn sản phẩm từ bốn làng nghề nói trên đều được chuyên chở về bán ở Lái Thiêu, đầu mối giao thương thuận lợi cả thủy bộ và tàu hỏa.
Nội dung chính của tập sách này nhằm tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử phát triển, các chủng loại sản phẩm cùng đặc điểm riêng của dòng gốm này. Nói chung việc tìm hiểu về gốm Lái Thiêu, cơ bản vẫn là các đặc trưng của việc tạo tác sản phẩm gốm: nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí. Nói cụ thể là tìm hiểu về nguyên liệu, phối liệu; hai là, kỹ thuật lò nung; ba là, kỹ thuật tạo hình các chủng loại sản phẩm; và bốn là nghệ thuật trang trí, giá trị mỹ thuật của chúng.
Công trình này dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại các làng nghề ở tỉnh Bình Dương vào những năm đầu thế kỷ XXI cùng việc trao đổi với các nhà sưu tập gốm Lái Thiêu: Lý Lược Tam, Nguyễn Anh Kiệt, Trương Ngọc Tường, Nguyễn Bình Phương Khanh... Nhân đây, chúng tôi xin được tỏ lòng tri ân đối với những chỉ dẫn quý báu của các nghệ nhân tiên phong về các di vật gia truyền của các bậc tiền bối và các nhà sưu tập cổ vật không muốn nêu tên. Ở tập sách này, chúng tôi đặc biệt cám ơn nhà sưu tập Lưu Kim Chung đã giúp đỡ trong việc tuyển chọn những sản phẩm gốm Lái Thiêu tiêu biểu cho sưu tập.
Rõ ràng là, những nỗ lực tìm hiểu của chúng tôi chỉ là bước đầu với mong muốn giới thiệu những nét căn bản nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót.
Rất mong bạn đọc đóng góp ý kiến.
Nhóm biên soạn
…..
Tư liệu thư tịch Hán - Nôm đời nhà Nguyễn không thấy đề cập đến nghề làm gốm ở vùng Lái Thiêu - Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu gần đây qua điều tra hồi cố đã xác định người Hoa đã đưa nghề gốm đến vùng đất này vào những thập niên cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1910, theo Monographie de la province de Thudaumot (sđd), cả tỉnh đã có đến 40 lò gốm: 5 lò ở An Thạnh, 8 lò ở Hưng Định, 1 lò ở Tân Thới (Lái Thiêu), 14 lò ở Phú Cường, 3 lò ở Bình Chuẩn và 9 lò ở Tân Khánh. Lái Thiêu bấy giờ đã thành trung tâm thương mại thạnh mậu, được đặt làm “thương chính Lái Thiêu” bên cạnh thương chính Thủ Dầu Một và kế đó chợ Búng cũng khá sầm uất.
Các lò gốm quan trọng đặt ở đây cũng như các sản phẩm gốm đều lấy nơi này làm nơi buôn bán bởi tiện cho việc vận tải đường sông và đường bộ: có bến đậu tàu thủy (tàu đò của chủ Yen Seng) và bến xe đò. Có lẽ ở giai đoạn này, tên gọi “Gốm Lái Thiêu” được định danh để chỉ chung cho tất cả các sản phẩn gốm được sản xuất ở các địa phương khác thuộc tỉnh này. Sản phẩm gốm bấy giờ bao gồm hầu hết đồ gia dụng, đặc biệt hũ đựng đường, chén đựng mủ cao su được sản xuất ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của sự phát triển các lò đường thủ công và các đồn điền cao su. Ngoài các sản phẩm gốm thực dụng, ở đây cũng đã sản xuất đồ gốm mỹ thuật thường gọi là “đồ gốm Cây Mai”, tuy sản phẩm ở đây có kém hơn sản phẩm Cây Mai chính hiệu được sản xuất ở vùng Cây Mai (Phú Lâm - Phú Định, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
-----
Lịch sử hình thành và phát triển gốm Lái Thiêu
Không ít nhà nghiên cứu dựa vào cứ liệu lịch sử dân cư đã đoán định rằng nghề gốm đã được du nhập vào Đồng Nai/Biên Hòa từ thế kỷ XVII cùng với nhóm binh dân do Trần Thượng Xuyên, Tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm (Quảng Đông, Trung Quốc) đưa vào định cư ở địa phương Bàn Lân (Biên Hòa) năm 1679 và từ đó lan tỏa đi các nơi khác, trong đó có Tân Phước Khánh - một trong các làng gốm của tỉnh Thủ Dầu Một/Bình Dương. Đoán định này đến nay vẫn còn là giả thiết bởi chưa tìm được cứ liệu nào xác thực để minh chứng.
Có thể những di dân Trung Quốc thuộc nhóm Trần Thượng Xuyên đã đem nghề gốm vào đất Biên Hòa từ năm 1679, nhưng non 100 năm sau (1776), Cù lao Phố - địa bàn cư trú thạnh mậu của nhóm di dân này - bị nạn binh lửa cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh tiêu hủy, khiến cộng đồng người Hoa, bấy giờ đã là người Minh Hương, đã phải lưu tán, đa phần chạy xuống khu vực Sài Gòn (hiểu là Chợ Lớn ngày nay) để sinh sống. Chính ở đây, họ lập lò để sản xuất gạch ngói, đồ gốm đất nung tráng men gia dụng và các sản phẩm gốm mỹ thuật thuộc loại “công nghệ miếu vũ” ở khu vực quanh chùa Cây Mai, một ngôi chùa cổ nổi tiếng đã đi vào lịch sử và văn chương một thời. Do vậy sản phẩm của các lò bao quát cả vùng Phú Lâm - Phú Định đều được gọi là “gốm Cây Mai”. Địa danh “Xóm Lò Gốm” tìm thấy trong bản đồ Sài Gòn - Bến Nghé (do Trần Văn Học vẽ năm 1815) cùng với các địa danh liên quan đến nghề gốm: “Xóm Chậu” và “Xóm Đất” và di tích còn lại đến nay là tên “rạch Lò Gốm”, “đường Lò Siêu”... đã chỉ ra địa bàn sản xuất của gốm Cây Mai. Trong bài phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh(sáng tác đầu thế kỷ XIX) có nhắc đến “Xóm Lò Gốm” này:
... Cắc cớ chợ Lò Rèn, chạc chạc nghe nhà Bang đánh búa;
Lạ lùng xóm Lò Gốm, chơn vò vò Bàn Cổ xây trời.
Gốm Cây Mai phát triển mạnh mẽ từ đầu thếkỷ XIX đến thế kỷ XX, tồn tại đến 1945. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX do trữ lượng đất nguyên liệu ngày càng hiếm và do tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nên các lò gốm dời về Trường Thọ (Thủ Đức), Lái Thiêu và Biên Hòa - những nơi có trữ lượng đất nguyên liệu cũng như củi đốt lò dồi dào và cũng thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa bán ra bằng đường sông - phương tiện vận tải chủ lực thời bấy giờ.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH GỐM LÁI THIÊU
Nguồn gốc gốm Lái Thiêu cho đến nay có hai ý kiến khác nhau:
1/ Điểm khởi phát đầu tiên là Tân Phước Khánh bởi địa điểm gần với làng gốm Tân Vạn (Biên Hòa) và từ đó nghề gốm lan truyền đến Chánh Nghĩa, Lái Thiêu, Thuận An;
2/ Từ vùng gốm Cây Mai (ở Đề Ngạn/Sài Gòn xưa - tức Chợ Lớn) chuyển dần lên Lái Thiêu.
Trong Địa phương chí tỉnh Thủ Dầu Một (năm 1910), khi nói đến nghề gốm ở các địa phương Thủ Dầu Một, có đề cập đến việc lò gốm ở Lái Thiêu sản xuất các loại sản phẩm gọi là “Gốm Cây Mai” song có chất lượng kém hơn đồ Gốm Cây Mai chính hiệu. Tương tự, trong Địa phương chí Biên Hòa của Hội Nghiên cứu Đông Dương xuất bản 1901, cũng như Địa phương chí Biên Hòacủa Robert xuất bản 1924: Xứ Biên Hòa lúc đó có 8 lò gốm, lò gạch ngói quy mô lớn và một số cơ sở nhỏ, chủ yếu sản xuất gốm thô (grossière: lu, hũ, gạch, ngói, chén đựng mủ cao su). Các lò gốm lấy đất kaolin ở Tân Thiền, Vĩnh Cửu, Tân Ba, Tân Vạn. Theo cả hai tác phẩm này, ngành gốm đã phát triển mạnh trong một vài năm và có dấu hiệu suy yếu vì sau đó: “theo một thỏa thuận với người Hoa ở Chợ Lớn, những lò gốm ở Biên Hòa thôi sản xuất những mặt hàng gọi là Cây Mai”. Hai dữ liệu này cho thấy mối quan hệ giữa gốm Cây Mai đối với gốm Lái Thiêu và gốm Biên Hòa. Mặt khác, đoạn trích dẫn sau cho thấy đến năm 1924, việc sản xuất gốm ở Biên Hòa còn là khiêm tốn về số lượng cũng như chủng loại sản phẩm; trong khi trước đó 14 năm, năm 1910 ở Thủ Dầu Một đã có đến 40 lò, phân bố từ An Thạnh (Búng), Hưng Định (Chòm Sao), Tân Thới (Lái Thiêu), Phú Cường, Bình Chuẩn và Tân Khánh sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm gốm đa dạng. Do đó, khó có thể coi Tân Vạn/Biên Hòa là cội nguồn của gốm Tân Phước Khánh, gốm Lái Thiêu nói chung.
Các kết quả điều tra hồi cố từ các làng nghề gốm đều xác định cái mốc khởi phát của gốm Lái Thiêu là khoảng trước sau năm 1860. Điều này có phần tương hợp với việc lập “hai bang người Tàu” ở huyện Bình An vào năm 1846 như sách Đại Nam nhất thống chí/tỉnh Biên Hòa đã chép.
……
Tuy trong thời kỳ này đã có người Việt đứng ra lập lò gốm, như trường hợp lò Chín Thận, song chủ yếu vẫn là người Hoa. Nói cách khác, gốm Lái Thiêu phát triển trên cơ sở số lượng người Hoa nhập cư vào vùng đất này.
Sau đợt di dân của nhóm người Hoa “phản Thanh phục Minh” hồi nửa cuối thế kỷ XVII, nhà Thanh ban hành lệnh cấm vượt biên di cư nhằm quản lý vùng ven biển Hoa Nam, ngăn ngừa các cuộc tụ tập và nổi dậy của các nhóm kháng khiến cũ nên làn sóng di cư lắng xuống. Đến năm 1865, nhà Thanh mới cho phép các thương thuyền Trung Quốc đi đến các nước láng giềng buôn bán. Đây là thời điểm tái phát việc di dân và trong giới thương buôn cũng không ít trường hợp ở lại lập nghiệp tại Việt Nam.