Trần Đức Anh Sơn
Sinh năm 1967 tại Huế. Tốt nghiệp cử nhân Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học, trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1989. Tốt nghiệp Tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học, trường Đại học KHXH và NV ( Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2002.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Nguyên trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam). Hiện là phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng.
~ Kiểu Huế ~
Người Huế sống, ăn, mặc và ứng xử theo một kiểu thức riêng. Ai không hiểu sẽ cho là người Huế cầu kỳ, kiểu cách. Còn ai hiểu người Huế, biết về văn hóa Huế, sẽ nói: “ Kiểu Huế là rứa. có chi mà thắc mắc”.
Một trong những tính cách đặc trưng của văn hóa ứng xử Huế là tính cách mệ. Tính cách này được hình thành và nuôi dưỡng từ những phủ đệ kín cổng cao tường kia. Nguyên nghĩa, mệ là từ người Huế dùng để gọi phụ nữ ngoài 60 tuổi, cũng là danh xưng mà con cháu gọi người bà của mình, là mệ nội, mệ ngoạihay mệ dì… Song chữ mệ trong tiếng Huế còn dùng để gọi những ông hoàng, bà chúa thuộc dòng dõi Nguyễn Phước tộc, dù họ là nam hay nữ. Những người quyền quý này xưng mệ khi chuyện trò, trao đổi với người ngoài như một cách tỏ bày nguồn gốc cao quý của mình: ta đây thuộc dòng dõi quý tộc, có mối liên hệ máu mủ với đức kim thượng trong Tử Cấm Thành kia; xưng mệ là để tỏ sự phân biệt với các hạng dân khác ở đế đô. Mệ có đời sống riêng ẩn giấu trong vòng tường của phủ đệ và mỗi khi ra khỏi lớp tường rêu phong ấy, mệ có cách hành xử riêng, vừa cao ngạo, vừa khoan dung, sẵn lòng ban ơn cho kẻ dưới, dẫu cho có lúc kẻ dưới ấy là người giàu có của cải, tiền bạc hơn so với mệ.
Trần Đức Anh Sơn