Tranh tường Khmer Nam bộ
Tác giả: Huỳnh Thanh Bình
Huỳnh Thanh Bình
Sinh năm 1985
Hiện công tác tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Sách đã xuất bản:
Tranh kiếng Nam bộ (2013)
Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo (2018)
Đã công bố trên 100 bài viết về văn hóa thế giới, mỹ thuật Phật giáo, mỹ thuật Việt Nam và văn hóa dân gian trên Nguyệt san Giác ngộ, Kiến thức ngày nay, Kiến trúc nhà đẹp, tạp chí Cẩm Thành…
Tranh tường Khmer kế thừa thành tựu nghệ thuật tạo hình truyền thống mà trực tiếp là nghệ thuật trang trí nội ngoại thất tự viện, tranh cuộn trên vải/preah bot, tranh vẽ trên giấy bìa “kờrăng”. Do đó, tranh tường Khmer độc đáo không chỉ về mặt đề tài mà cả về đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật.
Chính vì vậy, tranh tường Khmer cần được tìm hiểu một cách nghiêm túc về cả nội dung lẫn kỹ thuật để có sự hiểu biết đầy đủ. Bên cạnh đó, tranh tường Khmer cũng cho thấy thị hiếu thẩm mỹ và cái nhìn mỹ thuật không chỉ của người nghệ nhân tạo tác mà đó còn là của cả cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cuốn sách đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer. Cụ thể, trọng tâm của nhóm biên soạn là nghiên cứu sâu hệ thống đề tài, kỹ pháp tạo hình và truy cứu nguồn cội lịch sử của tranh tường Khmer thông qua các tranh vẽ vẫn được hiện tồn ở các chùa tháp của cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long và những dữ liệu điều tra từ các nghệ nhân vẽ tranh tường đã và đang còn làm nghề.
Đối tượng nghiên cứu chính của cuốn sách này là nghề vẽ tranh tường và tập thành tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer tạo tác nội - ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Đây là kết quả điều tra - sưu tầm chủ yếu là phương pháp điều tra điền dã để khảo sát những bức tranh tường cũ lẫn mới, và đồng thời tiến hành phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố các nghệ nhân vẽ tranh tường cũng như những vị Acha, Sư Cả, các trí thức, cán bộ văn hóa Khmer và người dân Khmer ở các địa phương nói trên. Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời tri ân, cám ơn đặc biệt đến nghệ nhân vẽ tranh tường/bích họa Thạch Tư (khóm 4, thị trấn Châu Thành, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), nghệ nhân Thạch Pinh (phường 8, tỉnh Trà Vinh), nghệ nhân Trầm Như Đăng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), Bình Thuận (phường 5, Sóc Trăng)...; ông Thạch Sôvan Nên (giáo viên trường dân tộc nội trú Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), ông Thạch Chân (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Trà Vinh), ông Thạch Sa Thanh (Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh)...
Nhân đây chúng tôi xin được tỏ lòng cám ơn đến quý sư sãi, trú trì các tự viện Khmer đã dành cho chúng tôi những thuận lợi và những chỉ dẫn quý báu để hoàn thành công trình nghiên cứu này.
HTB