Người xưa tìm thuốc lên non hái lá. Thử nếm. Thử chữa bệnh cho mình. Rồi mới dám mà sẻ chia cho bạn bè hàng xóm, giữa chốn thân quen. Phải phơi nắng, phơi sương, phải chẻ, phải sao, phải sắc. Ba chén sáu phân. Tùy bệnh tình mà gia giảm. Có khi phải dùng nước mưa, có khi nước giếng, có khi nước lá sen... Phải dùng siêu đất nung nửa đen nửa đỏ, phải canh ngọn lửa than hồng nửa phừng phực nửa riu riu... Đâu có mà dễ dàng! Thuốc chữa được bệnh cũng là thuốc độc. Chỉ cần một chút sơ sẩy, hững hờ!
Tôi là một người thầy thuốc, một bác sĩ, mà cũng là một bệnh nhân, lắm nỗi lao đao, đi tìm thuốc chữa cho chính mình. Mới thấy tốt nhất là đừng nên có bệnh! Đừng phải cần đến thuốc men. Nhưng “Không hẹn mà đến, không chờ mà đi, bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta...” (Trịnh Công Sơn)
Có lần tôi hỏi một vị sư có phải câu hay nhất trong Kim Cang là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không, sư nhẹ nhàng bảo không, Kim Cang câu nào cũng hay! Câu nào cũng hay? Vậy mà sao ta chỉ thấy những chưng hửng, ngẩn ngơ, lủng ca lủng củng, tối mịt tối mò. Hay là đã tự ngàn xưa nên tránh sao khỏi tam sao thất bổn? Hay là phải chắt lọc bốn câu một kệ mới thấy chỗ vi diệu thậm thâm? Làm sao mà “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đủ làm cho Lục tổ Huệ Năng đại ngộ? Làm sao mà “đối cảnh vô tâm” đủ làm cho vua Trần Nhân Tông trở thành Tổ sư thiền phái Trúc Lâm? Làm sao mà hai trăm năm trước Nguyễn Du phải đốt nến đọc Kim Cang đến ngàn lần... “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh / Kỳ trung áo chỉ đa bất minh!” (Kim Cương đọc đến ngàn lần / Mà trong mờ ảo như gần như xa) để rồi cuối cùng mới chợt tỉnh thấy ra kinh không chữ mới thật là chơn kinh (Chung tri vô tự thị chân kinh - Nguyễn Du)! Kinh không chữ ư? Đọc giữa dòng ư? Lục tổ đã chẳng bảo: “Ta không biết chữ, chỉ biết nghĩa!” đó sao? Nhưng cũng chính ngài ân cần dặn dò không được bỏ sót dù một câu một chữ! Khó vậy thay!
Chợt nhớ chỉ một tiếng “Om” hôm nào vang lên trong đầu chàng sa môn tuyệt vọng sắp đắm mình vào dòng nước biếc mênh mông, bỗng thấy ra khuôn mặt đầy khổ đau già cỗi đáng thương của mình mà bừng ngộ trở thành ông lão chèo đò ngày ngày đưa khách sang sông. (Câu chuyện của dòng sông, Hermann Hesse). Một câu, một chữ chẳng đã có thể chuyển hóa nỗi khổ đau thành niềm hạnh phúc, nỗi tuyệt vọng thành niềm an vui đó sao?
Câu hỏi ngàn đời của Tu Bồ Đề, “Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?...” chẳng phải cũng là câu hỏi của chính ta hôm nay - giữa bủa vây trùng điệp của âu lo và căng thẳng trong một thế giới nhỏ như lòng bàn tay mà nghìn trùng xa cách?
“Gươm báu trao tay” có thể là một thanh kiếm sắc - chém thép như chém bùn - có khả năng chặt đứt bao nỗi muộn phiền, nhưng cũng có thể chỉ là một thanh kiếm gỗ của chàng Vô Kỵ (nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung) - nhờ nội công “thâm hậu” tự bên trong mà khắc chế được đại địch.
Không phải vô cớ mà Edward Conzé, người đã dịch Kim Cang sang tiếng Anh từ hơn nửa thế kỷ trước đã từng khẳng định hãy ứng dụng vào đời sống hằng ngày đi rồi mới thấy tác dụng kỳ diệu của Kim Cang!
Vượt qua cái chữ, thấy được kinh vô tự, ấy là đã thôi không dừng trên văn tự nữa mà đã bước vào quán chiếu để từ đó mà thấy được thực tướng Bát nhã!
Nó vậy đó. Nó “Như như bất động”. Nó Chân Như.
Kẻ làm thầy thuốc có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ. Có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Có thể chữa được cho người mà không chữa được cho mình. Nên phải cầu học, tìm học khôn khuây.
Đâu dám mà lạm bàn những điều “thậm thâm vi diệu”.
Chỉ là một cách nhìn, cách nghĩ. Một cách học, cách hành. Một cách dùng thuốc.
Và mong được sẻ chia.
Trạm trạm nhất phiến tâm
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
(Vằng vặc một tấm lòng
Giếng xưa trăng rọi bóng.)
(Nguyễn Du)
Đỗ Hồng Ngọc
Saigon, tháng 5 năm 2008