ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU (1)
Nội dung của cuốn sách này chủ yếu được rút ra trong luận án tiến sĩ đệ tam cấp mà tác giả đã trình ở Đại học Sorbonne Paris vào niên khóa 1970-1971. Ban giám khảo gồm mấy ông: Jean Chesnaux, người bảo trợ và Philippe Devillers, Jean Lacouture, đều là những người chuyên về lịch sử Việt Nam, đã viết nhiều về Việt Nam.
Ai cũng biết báo chí đã đóng một vai trò đặc biệt và quan trọng ở Việt Nam vì không phải nó chỉ nhằm phục vụ mục tiêu chính như ở các nước khác, mục tiêu Thông tin. Ở Việt Nam, báo chí còn là phương tiện giáo dục, lợi khi tranh đấu chính trị và diễn đàn văn học.
Những tờ báo được thành lập ở thời kỳ này thường nhằm phục vụ tất cả những mục tiêu: thông tin, nghị luận, giáo dục, văn hóa.
Tờ báo gồm từ những mục dạy nghề, y học, vệ sinh, luân lý, kiến thức khoa học phổ thông đến những mục sưu tầm văn học, đăng tải thi ca, đôi khi bằng hai ba thứ tiếng một lượt (Pháp ngữ, Quốc ngữ, Hán ngữ).
Ngoài ra tờ báo còn nhằm phục vụ những mục tiêu chính trị hoặc của nhà cầm quyền thực dân, hoặc của những người yêu nước chống thực dân, phong kiến.
Riêng về văn học, báo chí thời kỳ đầu ở Việt Nam đã là nơi phát xuất và nuôi dưỡng những thể văn, khuynh hướng văn mới, nhất là những thể văn, khuynh hướng văn chương chịu ảnh hưởng Tây phương.
Do đó, báo chí thời kỳ này là một tài liệu sử rất quý không những cho những vị nghiên cứu về chính trị, mà cho cả những nhà nghiên cứu về kinh tế, giáo dục, văn học. Một nhà biên soạn văn học sử thời cận đại và hiện đại không thể không dành một đôi chương nói về vai trò và công dụng của báo chí trong việc phát huy và phổ biến văn học. Cho đến nay, đã có ít nhiều bài vở biên khảo về vấn đề này, nhưng hình như chưa có một công trình biên soạn quy mô một cách khoa học, có hệ thống, dựa vào những tài liệu xác thực.
Điều đáng lưu ý trong tập sách biên khảo này của ông Huỳnh Văn Tòng, tập sách có thể được coi như một trong những công trình biên khảo quy mô trên, là ở chỗ ông đã được đọc tương đối khá đầy đủ những báo chí ra trong thời kỳ đó, hiện còn lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp.
Nhưng nhất là ông truy kiểm, kê khai xuất xứ những hồ sơ hành chánh Đông Dương gồm những báo cáo, bản tường trình đôi khi thuộc loại mật để tìm hiểu những chính sách, đường lối, chủ đích của nhà cầm quyền Pháp về báo chí xuất bản trong thời kỳ này. Thiết tưởng đó là điểm góp phần đáng kể nhất của tác giả.
Ông Huỳnh Văn Tòng mới về nước gần một năm, hiện giảng dạy về báo chí ở các trường Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh. Ông đã dùng luận án kể trên để biên soạn tài liệu giảng dạy. Nhận thấy cuốn sách chắc hẳn bổ ích cho nhiều người, nhiều giới khác, chúng tôi khuyến khích tác giả cho in ra để có thể phổ biến rộng rãi hơn. Có một điều mà chúng tôi tiếc là vì sợ sách quá dày, nặng nề, nên không thể in thêm phần phụ lục gồm những tài liệu như những phúc trình, báo cáo, nhận xét của nhà cầm quyền Pháp mà tác giả đã tra cứu sưu tầm được ở Thư viện văn khố bộ Thuộc địa cũ đường Oudinot để những nhà nghiên cứu có thể kiểm chứng những nhận xét của tác giả, đồng thời sử dụng làm cơ sở cho nghiên cứu riêng của mình.
Sài Gòn, tháng 4 năm 1973
Giáo sư Nguyễn Văn Trung
1. Đây là lời giới thiệu của GS. Nguyễn Văn Trung được in trong bản in năm1973 do Nxb. Trí Đăng xuất bản, bản tái bản năm 2000 lược bỏ bài giới thiệu này, nay tái bản lại cuốn sách, xin in lại để bạn đọc hiểu rõ hơn về cuốn sách cũng như giá trị của nó từ khi mới xuất bản.