Cuốn sách này được in vào năm 2006, cách đây 12 năm bài, . Và cũng cách 2006, 11 năm trước, tôi đã dạy bài học đầu tiên về Kafka cho sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Mùa hè năm 2005, khi đang dạy tại chức cho sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội tại Nghệ An, tôi viết những dòng cuối cùng của cuốn sách. Đó là một ngày hè nóng, cái nóng của miền Trung càng làm tăng thêm bầu không khí ngột ngạt nhưng diệu kỳ mà dư vị Kafka để lại.
Phải nói đây là cuốn sách được tôi viết trong mạch cảm hứng dồi dào, tập trung bậc nhất. Ngoại trừ một ít bài viết lẻ tẻ đăng trên các tạp chí, phần nội dung chính của cuốn sách được viết liền một mạch trong độ ba tháng. Bây giờ, nhớ lại cảm xúc lúc đó, trong tôi vẫn nguyên cảm giác xao xuyến khi viết lên trang giấy những dòng suy ngẫm về Kafka. Sở dĩ nói là “viết lên” vì hồi đó tôi chưa có thói quen làm việc trên máy tính, chỉ viết trên giấy A4 rồi thuê người đánh máy. Cái lối tư duy theo ngòi bút đó quả cũng có những thuận lợi nhất định so với đánh máy. Mỗi chữ về Kafka đều được cân nhắc kỹ, từ từ xuất hiện trên trang giấy như một phép màu của tuổi hoa niên mà nay, vĩnh viễn tôi chẳng thể nào có được.
Tôi yêu quý và ngưỡng mộ Kafka ngay từ lần đầu tiếp xúc với sách của ông. Phải nói, lúc đó nếu chưa đọc bài nghiên cứu về Kafka từ trước của Đặng Anh Đào thì rất khó có thể hiểu ông. Và ngay cả khi được trang bị kiến thức về ông thì việc hiểu đó cũng đâu có dễ. Phải mất hơn nửa đời người, may ra tôi chỉ mới nhận ra được đôi điều về ông. Cái con người văn chương bí hiểm và uyên thâm bậc nhất nhân loại thế kỷ XX ấy đã tạo nên một ma lực ngôn từ, ám ảnh người đọc lâu dài.
Đành rằng đây là một trong những cuốn hay nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của tôi, đành rằng (có ảo tưởng chăng) đây là cuốn chuyên luận không chỉ là duy nhất mà còn là công phu nhất được viết về Kafka ở Việt Nam tính đến thời điểm này, nhưng sự đón đọc của công chúng quả là rất hạn hẹp. Xem ra thì, cái “món” Kafka này quả rất khó nhằn đối với độc giả Việt Nam.
Tôi luôn muốn in lại cuốn sách này, vì hai lý do: Thứ nhất, tôi muốn quảng bá Kafka với tư cách là một thiên tài văn chương, người không thể thiếu trong đời sống tinh thần Việt; hai là, để bày tỏ lòng yêu mến của tôi đến Kafka, một người mà, những gì ông nói thì luôn đúng trong tuyệt đại đa số hoàn cảnh, nhất là những trớ trêu nhân sinh trong thời cách mạng 4.0. Vì lẽ đó, lãng quên Kafka là tội lỗi khó có thể dung thứ.
(Trích Lời nói đầu)