Lịch sử phát triển của ngành kiến trúc Trung Quốc sớm nhất có thể bắt nguồn từ thời thượng cổ cách đây xấp xỉ gần mười ngàn năm. Ngay từ thời điểm đó, kiến trúc cổ Trung Hoa đã bắt đầu quá trình phát triển của nó, chủ yếu dùng gỗ làm kết cấu chính và các vật liệu phụ như gạch, ngói và đá. Kiến trúc cổ đại Trung Quốc không những là nguồn tham khảo cho các mẫu thiết kế kiến trúc hiện đại Trung Quốc sau này mà nó còn có ảnh hưởng mang tính toàn cầu, trở thành di sản văn hóa thế giới nổi bật. Thưởng thức kiến trúc cổ Trung Quốc tựa như đang lật từng trang của một bộ sử thư nặng tay. Từ truyền thuyết viễn cổ thời hồng hoang, từ công lao vĩ đại của Tần Vương Hán Võ, khí thế oai hùng của đế chế nhà Đường đến những thăng trầm trong cấm cung thời Minh - Thanh, và hơn thế nữa là trí tuệ của hàng ngàn hàng vạn người lao động bình thường, đều được ghi chép lại bằng những hình vẽ cụ thể.
Xét về loại hình kiến trúc, kiến trúc cổ Trung Quốc bao gồm cung điện hoàng gia, tự miếu điện đường, nhà ở, lăng tẩm, mộ táng và kiến trúc sân vườn… Trong đó cung điện, tự miếu, lăng tẩm đều ứng dụng lối kiến trúc và hình thức bố cục tổng thể tương tự nhau; tức là đối xứng ngay ngắn, theo đúng trật tự, sử dụng đường trục giữa để kết nối từng ngôi nhà tứ hợp viện lại với nhau, thể hiện khí chất dân tộc hàm súc, nghiêm ngặt và khép kín; hoặc thể hiện phong thái Nho gia chính thống. Duy chỉ có kiến trúc vườn tược là có phong cách khác hẳn, bố cục tự do linh hoạt, biến hoán khôn lường, theo đuổi một phong cách tự nhiên và mang hơi hướng của Đạo gia nhiều hơn.
Nhìn từ bên ngoài, mỗi một công trình kiến trúc đều được cấu thành bởi ba bộ phận là thượng, trung, hạ. Phía trên cùng là mái nhà, phía dưới là phần móng, giữa là các trụ, cửa ra vào, cửa sổ và tường. Bộ phận quan trọng nhất trong kiến trúc cổ đại Trung Quốc chính là mái nhà, tất cả các mái nhà đ ều được tạo bởi những đường nét uyển chuyển tuyệt mỹ,thiết kế mái nhà có thể chia thành những cấp bậc khác nhau như Vũ Điện (đẳng cấp cao nhất trong thiết kế về mái nhà, chuyên dùng cho cung điện nhà vua); Hiết Sơn (đẳng cấp thấp một bậc so với Vũ Điện, bốn mái dốc); Huyền Sơn (hai mái dốc); Ngạnh Sơn (hai mái dốc) và Toản Tiêm (mái hình nón), v.v..
Kết cấu khung gỗ của kiến trúc cổ Trung Quốc chủ yếu cấu thành bởi các cấu kiện chính như trụ đứng, xà ngang và đòn tay. Các bộ phận được kết nối bằng kết cấu mộng, tạo thành những khung gỗ có tính đàn hồi cao. Kiểu kết nối mộng này đã được tìm thấy trong di tích kiến trúc xã hội nguyên thủy Hà Mẫu Độ thuộc thành phố Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang, chứng tỏ cách đây hơn 7.000 năm con người đã biết sử dụng kỹ thuật này. Phía dưới nóc nhà và phía trên trụ còn có một bộ phận được gọi là đấu củng, được làm bằng các thanh gỗ xếp ngang dọc xen kẽ thành nhiều lớp. Đây là cấu kiện đặc trưng tiêu biểu cho lối kiến trúc phương Đông, nó vừa có tác dụng nâng đỡ khung nhà vừa mang lại hiệu quả trang trí.
Trong nghệ thuật kiến trúc cổ đại Trung Quốc, trang trí là một trong những cách thể hiện kiến trúc quan trọng nhất. Các thợ mộc thời xưa đã lợi dụng triệt để đặc điểm của kiến trúc khung gỗ, sử dụng các công cụ như dao, búa, chàng đục, khoan, bút, v.v.. để tiến hành vẽ mẫu và gia công nghệ thuật trực tiếp lên vật liệu. Vì vậy mà việc trang trí kiến trúc truyền thống Trung Quốc đa phần đều có giá trị sử dụng thực tế, và được kết hợp chặt chẽ với toàn bộ kết cấu, cũng có thể nói rằng, bản thân việc trang trí chính là quá trình gia công nghệ thuật trên các cấu kiện, chứ không phải là những phụ kiện đính thêm vào. Tuy có tác dụng trang trí đẹp mắt, nhưng quan trọng hơn là chúng thể hiện được nét đẹp tổng thể, phù hợp với đặc tính của nguyên vật liệu và tính logic cơ học. Đồng thời, nghệ thuật truyền thống Trung Quốc như hội họa, điêu khắc, thư pháp, màu sắc, hình vẽ, hoa văn đều được ứng dụng trong việc trang trí, làm tăng thêm tính nghệ thuật của kiến trúc.
Tư tưởng Nho giáo giữ vị trí thống trị trong xã hội Trung Quốc cổ đại lấy chữ “Lễ” làm nền tảng, nghĩa là dùng chế độ quy tắc để chuẩn mực hóa các thứ tự cấp bậc trong xã hội, tư tưởng này đã thâm nhập vào trong lĩnh vực kiến trúc cũng như trong quá trình sáng tạo của nghệ thuật trang trí một cách tự nhiên. Tất cả các vật dụng trong kiến t rúc không chỉ đáp ứng yêu cầu “cầu kỳ quan” (tức là yêu cầu về hình thức bên ngoài) mà còn phải“biện quý tiện” (tức là phân biệt sang hèn).Từ loại hình, quy mô to nhỏ, hình thức trang trí, màu sắc, chất liệu, cho đến đề tài của kiến trúc đều phải tuân thủ chức năng xã hội của kiến trúc, là phương pháp quan trọng trong việc thể hiện giá trị xã hội của kiến trúc.
Nghệ thuật kiến trúc được ra đời, hình thành, phát triển, trưởng thành trong môi trường tự nhiên và trong điều kiện xã hội nhất định, vì vậy tất yếu sẽ mang dấu ấn của địa phương và thời đại. Sự phát triển của từng thời đại chủ yếu được phản ánh thông qua quá trình không ngừng cải cách và sáng tạo trong phong cách kiến trúc, đề tài thiết kế và loại hình nghệ thuật; sự khác biệt về không gian phần lớn là do môi trường tự nhiên và khí hậu khác nhau dẫn đến; ngoài ra, Trung Quốc là một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc đều thích sử dụng nghệ thuật trang trí truyền thống của dân tộc mình, do đó phong cách nghệ thuật kiến trúc của mỗi dân tộc đều mang nét đặc trưng riêng, thể hiện trọn vẹn tính cách dân tộc.
Trong lịch sử văn hóa cổ đại Trung Hoa, “ngành Kiến trúc” vẫn chưa đạt được vị trí vốn có của nó. Chủ yếu do những thợ xây vô danh truyền nghề từ đời này sang đời khác, nghệ thuật kiến trúc truyền thống Trung Quốc ra đời trong sự không thuận lợi và vẫn chưa được xem như một ngành học độc lập qua các thời đại, cũng chưa hình thành nên một bộ “Lịch sử Kiến trúc” hệ thống và toàn diện. May thay, có rất nhiều tác phẩm văn học lấy kiến trúc hoặc thành thị làm đề tài sáng tác, những tác phẩm này một mặt phản ánh sự phát triển thịnh vượng của thành thị và lĩnh vực xây dựng kiến trúc thời đó, mặt khác cũng khắc họa nên bộ mặt kiến trúc thành thị thời đó. Rất nhiều sơ đồ xây dựng các thành quách, cung điện, sơ đồ xây dựng các công trình kiến trúc to lớn và các tác phẩm truyện ký về các viên quan phụ trách hoặc các bậc thầy kiến trúc cũng được ghi chép rải rác trong các sử sách và thư tịch. Ngoài ra, một số tác phẩm của các kiến trúc sư cũng được lưu truyền đến ngày nay, tuy số lượng còn khá ít nhưng cũng giúp chúng ta thấy được phần nào vết tích của ngành kiến trúc cổ đại.
Công việc thiết kế của kiến trúc cổ đại Trung Quốc rất giống với cấu trúc thiết kế của nền kiến trúc hiện đại, kiến trúc sư cũng như những người phụ trách công trình rất coi trọng khâu nghiên cứu khảo sát các vật thể kiến trúc đương đại hoặc vật thể kiến trúc của các thời đại trước đó, thông thường họ sẽ thiết kế theo phương pháp chế tạo mô hình và vẽ mẫu. Trải qua một thời gian dài, những người thợ cả của ngành kiến trúc Trung Quốc đã sáng tạo nên bản vẽ mang tính lập thể cao (tương tự như “bản vẽ thiết kế” ngày nay) để chỉ đạo thi công. Sau đời nhà Hán (202 TCN - 220), tạo “bản vẽ thiết kế kiến trúc” và “văn bản thuyết minh” đã trở thành một khâu không thể thiếu của các công trình kiến trúc quy mô lớn. Đến giữathế kỷ X, bản vẽ kiến trúc đã phát triển đến giai đoạn chín muồi.
Từ “Đông Quan” của đời nhà Chu (1046 TCN - 256 TCN) đến “Toán Phòng” và “Dạng Phòng” của đời nhà Thanh (1616 - 1911), suốt hai ba ngàn năm nay, Trung Quốc đều thành lập một Bộ Kiến trúc chuyên trách và đội ngũ quan lại chuyên phụ trách công việc thiết kế, thi công và điều phối các vật liệu xây dựng cho công trình kiến trúc. Chính nhờ có sự vận hành của bộ máy này mà hiệu suất tổ chức sức lao động và quá trình vận chuyển sản xuất vật liệu đều đạt đến một trình độ cao, một trong số những nội dung trọng tâm của nền kiến trúc cổ điển Trung Quốc là “tiêu chuẩn hóa” và “mô số hóa” mới được thực thi và phổ biến.
Đến giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến từng bước tan rã, nền văn hóa phương Tây dần dần xâm lấn, sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại và sự thay đổi về xu hướng thẩm mỹ và tâm lý văn hóa của con người hiện đại đã khiến cho nền kiến trúc của Trung Quốc ở thế kỷ XX có những thay đổi tương đối lớn, xuất hiện nhiều công trình công cộng theo kiểu kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Đông - Tây; nhất là sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vào thập niên 80, diện mạo thành thị thay đổi một cách nhanh chóng, phong cách kiến trúc ngày càng đa dạng và phong phú. Và trước mắt, việc tìm kiếm sự kết hợp hữu cơ giữa phong cách thời đại với phong cách dân tộc sẽ là một đề tài quan trọng của nền kiến trúc hiện đại Trung Quốc.
Quyển sách này trước hết sẽ lần lượt giới thiệu đặc điểm và quá trình phát triển của một số loại hình kiến trúc truyền thống tiêu biểu của thời cổ đại Trung Quốc, cuối cùng sẽ giới thiệu sơ lược quá trình phát triển phức tạp và phồn thịnh của nền kiến trúc trong thời cận đại và hiện đại, hy vọng có thể cung cấp một cái nhìn tổng thể và mạch lạc về lĩnh vực kiến trúc Trung Hoa cho những ai có hứng thú về lĩnh vực này.