TẾT CHỐN VÀNG SON
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của các nước Á Đông từ thời xa xưa. Ngày Tết là ngày nghỉ ngơi, mọi nhà, mọi người hướng về gia đình, tổ tiên. Trong cung đình xưa cũng vậy, triều đình Việt Nam thời phong kiến nghỉ Tết từ khá sớm, trở lại làm việc muộn, với rất nhiều nghi lễ phức tạp. Nhờ khoảng nghỉ dài, các quan và người hầu cận vua cũng có thể chăm lo cho cái Tết của gia đình.
Các độc giả ngày nay sẽ tò mò: Vậy vào ngày Tết, vua nước Việt ăn Tết như thế nào? Triều đình có những nghi lễ gì, tổ chức ra sao? Những chuyện này tuy không có sách nào ghi cụ thể, nhưng rải rác trong chính sử và các sách khác cũng khá nhiều chi tiết để có thể giải đáp cho độc giả.
Đây là cuốn sách viết về phong vị vàng son một thuở của cha ông ta trong những ngày Tết đến xuân về. Tác giả Lê Tiên Long chủ yếu dựa vào những cuốn sách chính sử đồ sộ của cha ông, làm cái công việc tỉ mẩn là lọc lựa, biên chép, kết nối các sự kiện, nhân vật, chuyện kể, hình thành những câu chuyện nhỏ, để người của hôm nay biết chuyện của hôm xưa, nơi chốn cung đình đã đón xuân, ăn Tết như thế nào. Chỉ có điều nó không phải một cuốn sử theo nghĩa thông thường, mà mang cái phong vị dân dã, khiêm cung, dẫu viết chủ yếu về những nghi lễ rắc rối phức tạp ở nơi chốn uy nghiêm, sang trọng bậc nhất trong thời kỳ phong kiến là cung đình!