Bộ sách này không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, một nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị... Qua đó, sự học tiếng Việt trong suốt bốn mươi năm làm nghề viết lách đã giúp tôi tích lũy một ít kiến thức nho nhỏ, nay, xin được chia sẻ với đông đảo những ai yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt. Nghĩ rằng, tôi không hề đơn độc trên hành trình này vì tự nguyện làm người học trò tiếp bước theo các bậc thầy đáng kính nghiên cứu về tiếng Việt đã và đang đi trước...
Sự nghiên cứu này, nói như nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo cũng là lúc tìm về "linh hồn tiếng Việt".
“Chọn chữ chắt chiu chan chứa chữ/ thắm thiết tình ta thấy tỏ tường” - hai câu thơ thể hiện nỗ lực đầy tâm huyết và đáng trọng của nhà thơ - nhà văn và cũng là nhà báo Lê Minh Quốc khi anh cho ra đời bộ sách gồm 3 quyển Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 12-2021).
Lê Minh Quốc khiêm cung nói bộ sách vừa ra đời của ông “không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị…”. Được chia thành 3 tập: “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo”, “Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm”, bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt trình bày những nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt với đa tầng ngữ nghĩa hết sức thú vị, độc đáo, thậm chí “ly kỳ” của tác giả Lê Minh Quốc sau hơn 40 năm ông gắn bó với nghiệp chữ nghĩa, văn thơ.
Nói “ly kỳ” là vì tác giả đã nhọc công tìm kiếm, sưu tra, chắt lọc, trình bày vô số những điển tích từ ngữ, cách sử dụng nói và viết tiếng Việt từ cổ chí kim, phong tục tập quán vùng miền, trong sinh hoạt giao tiếp thường ngày, từ thi cử đến chợ búa, từ môi trường ca dao tục ngữ đến ẩm thực, ăn ở và cả… thói hư tật xấu.
Bằng sự cởi mở, phóng khoáng, không phân biệt vùng miền, trân trọng mọi địa phương, phương ngữ, con người Việt Nam, tác giả Lê Minh Quốc mang đến cho người đọc một “bàn tiệc thịnh soạn” với từng “món ngon” câu chuyện về từ ngữ tiếng Việt được xâu chuỗi bởi bàn tay của một “đầu bếp” tinh tế, lành nghề.
Tác giả ngầm minh chứng tiếng Việt chẳng những vô cùng phong phú mà còn theo không gian và thời gian đã ngày càng biến hóa đa tầng, đa nghĩa. Và dù cho thời gian có trôi đi bao lâu, cho dù sự đa dạng của tiếng Việt ngày càng phát triển, bồi đắp… thì người Việt vẫn yêu tiếng nói thân thuộc kể từ khi sinh ra như hai câu thơ mà Lê Minh Quốc viết như gửi gắm lòng mong mỏi của ông:
“Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt
Tiếng ta tự tại tới trường tồn...”.
(theo Nhà báo Trung Nghĩa)