Bệnh của tuyến giáp là một hình thái bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam mà trong nhân dân người ta thường gọi bằng một cái tên chung rất quen thuộc là “BỆNH BƯỚU CỔ”.
Theo thống kê qua cuộc điều tra cơ bản của Bộ Y tế nước ta trước năm 1975, tại miền Bắc Việt Nam có gần 1.200.000 người mắc bệnh bướu cổ. Hiện nay theo một con số thống kê chưa đầy đủ, trên toàn đất nước ta có khoảng trên 3.000.000 người mắc bệnh bướu cổ các loại. Theo thống kê của Bộ Y tế (1980-1985), số người mắc bệnh bướu cổ ở miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ 30-40% trong nhân dân, có nơi tới 80%. Ở đồng bằng phía Bắc khoảng 6% người mắc bệnh bướu cổ.
Ở đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ người mắc bệnh bướu cổ là 20-22%.
Hàng năm có khoảng 115.000 người được khám và chữa bệnh bướu cổ.
Chính vì lý do trên, bệnh bướu cổ được coi là một trong 8 bệnh xã hội thuộc dứt điểm 4 mà Bộ Y tế nước ta đã quy định cho các tuyến xã, phường, thị trấn, quận, huyện.
Bướu cổ có nhiều thể loại khác nhau, tính chất, sự tiến triển, hậu quả, tiên lượng và cách chữa trị cũng khác nhau, do đó theo ý kiến của chúng tôi, trong ngành y tế nên gọi bệnh này là “BỆNH CỦA TUYẾN GIÁP” cụ thể nên phân biệt rõ: BƯỚU GIÁP LÀNH TÍNH, U GIÁP ĐỘC TÍNH, U GIÁP ÁC TÍNH hay UNG THƯ TUYẾN GIÁP.
Đại đa số các bệnh của tuyến giáp được điều trị bảo tồn bằng thuốc uống hoặc bằng chất đồng vị phóng xạ I 131 (khoảng 60%), khoảng 30% tổng số bệnh nhân cần điều trị bằng mổ xẻ vì điều trị bảo tồn không có kết quả hoặc vì có biến chứng này hay biến chứng khác, vì ung thư tuyến giáp (chỉ định mổ tuyệt đối ở giai đoạn đầu của bệnh) v.v..còn 10% thuộc về các bệnh nhân được mổ xẻ với mục đích thẩm mỹ hoặc các bệnh nhân có bướu giáp sinh lý, viêm tuyến giáp và các bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp y học dân tộc cổ truyền (thuốc Nam, châm cứu v.v...
Hiện nay chúng ta đã có nhiều phương tiện để xác định chẩn đoán bệnh của tuyến giáp bằng nhiều phương pháp khác nhau (trực tiếp và gián tiếp): Do chuyển hóa cơ bản, phương pháp dùng chất đồng vị phóng xạ I 131 - nghiệm pháp Werner, PBI, BEI, cholestérol huyết thanh đo mức độ tiết vào của hóc môn tuyến giáp (T3 , T4 , FT4 v.v..) và tuyến yên (TSH) với mục đích xác định tính chất cường giáp, bình giáp hoạt thiểu năng của tuyến giáp, từ đó có phương hướng điều trị đúng đắn và thích hợp v.v.. kết hợp với bệnh cảnh lâm sàng và kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh lý. Nhờ những phương pháp chẩn đoán kể trên chúng ta có thể xác định được dễ dàng chức năng của tuyến giáp bị bệnh như bình giáp, thiểu năng của tuyến giáp, cường giáp, xác định được tính chất của bướu giáp - lành tính, độc tính hay ác tính v.v..
Tập sách nhỏ này được viết một cách tóm tắt và tổng hợp dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi điều trị bảo tồn và phẫu thuật cho trên 3.000 người mắc các bệnh khác nhau của tuyến giáp, nhằm giúp ích một phần nào cho các bạn trẻ chuyên khoa hoặc không chuyên khoa về bệnh nội tiết nói chung và bệnh của tuyến giáp nói riêng...
Giáo sư-Tiến sĩ khoa học-Bác sĩ Nguyễn Khánh Dư