Trong thực hành phẫu thuật không có một cuộc mổ xẻ nào là không đụng chạm tới mạch máu, chủ yếu là các mạch máu ngoại biên. Trong bệnh lý của các cơ quan trong cơ thể, bệnh của mạch máu đã chiếm một vị trí khá quan trọng mà các nhà nội khoa và ngoại khoa đều luôn luôn hết sức quan tâm.
Trong và sau bất cứ một cuộc chiến tranh nào, vết thương và di chứng của vết thương mạch máu vẫn là một vấn đề thời sự nóng hổi, đòi hỏi các nhà phẫu thuật phải giải quyết một cách khẩn trương để cứu sống tính mạng cho người bị nạn.
Phẫu thuật điều trị các vết thương mạch máu bằng phương pháp mổ xẻ đơn giản thắt mạch máu đã có từ trước công nguyên, nhưng phẫu thuật điều trị triệt để các bệnh và tổn thương ở mạch máu mới chỉ được bắt đầu cách đây gần sáu chục năm. Như vậy, mổ điều trị các bệnh và tổn thương ở mạch máu vẫn là một chuyên khoa không còn trẻ trong ngành phẫu thuật.
Trước đây và hiện nay, trong đại đa số các nước trên thế giới, chuyên khoa này được ghép với chuyên khoa tim thành một chuyên khoa chung gọi là chuyên khoa tim - mạch (nội khoa và ngoại khoa). Ở một số nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện nay, vì sự cần thiết phải phát triển chuyên khoa càng ngày càng sâu và càng cao, phẫu thuật mạch máu đã được tách thành một chuyên khoa riêng biệt.
Ở Việt Nam, phẫu thuật mạch máu cũng là một chuyên khoa tương đối mới và đang trên đà phát triển.
Trong cuốn sách này, chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ kinh nghiệm của mình qua hơn 50 năm làm công tác mổ xẻ điều trị các bệnh và tổn thương ở mạch máu, nhất là những vết thương và di chứng vết thương hỏa khí ở mạch máu đã xảy ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh hùng của nhân dân ta.
Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp ích được một phần nào cho các bạn đồng nghiệp còn trẻ tuổi nghề và các bạn đồng nghiệp không chuyên khoa về phẫu thuật mạch máu, còn bỡ ngỡ với kỹ thuật xử trí các vết thương mạch máu và cầm máu trong các cuộc mổ xẻ lớn.
Đây là cuốn sách đầu tiên viết về chuyên đề “PHẪU THUẬT MẠCH MÁU” ở nước ta, nên không tránh khỏi có những thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được sự đóng góp xây dựng của các bạn đồng nghiệp.
Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cảm ơn tập thể phòng 1-B Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức (Hà Nội), phân viện dã chiến của các viện và các bệnh viện trung ương, Bệnh viện Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc thành phố Hà Nội), Bệnh viện E Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã nhiệt tình cộng tác và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.
TÁC GIẢ