Bài học lòng người từ Cải cách Hồ Quý Ly
Dân là gốc của nước, giữ nước trước hết là giữ dân, muốn giữ nước phải an dân, phải giữ được lòng dân... Bài học xương máu ấy xem ra không bao giờ cũ trong bất cứ triều đại nào, chế độ nào.
Triều nhà Hồ của cha con Hồ Quý Ly đã không thấm nhuần kỹ những điều ấy, nên chỉ tồn tại vỏn vẹn trong bảy năm, để mất nước vào tay giặc Minh.
Từ một quyền thần dưới nhà Trần, cho đến khi giành lấy vị trí quyền lực cao nhất của cả nước, Hồ Quý Ly - nhà cải cách táo bạo của thế kỷ 14 - đã làm tất cả để thực hiện những tư tưởng cải cách toàn diện của mình...
Nhìn vào những nỗ lực và biện pháp mà Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã thực hiện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, hành chính, an ninh quốc phòng đến kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, xã hội; cứ tưởng tham vọng cải cách ấy sẽ gặt hái được nhiều thành công, thịnh vượng cho đất nước, nào ngờ chỉ mau chóng thất bại. Tất cả chỉ vì thiếu đi sự hậu thuẫn của nhân dân.
Có lẽ nếu có thêm thời gian, nếu nhận được sự đồng lòng của nhân dân, Hồ Quý Ly đã có thể làm nên kỳ tích từ những nỗ lực cải cách ấy.
Với những phân tích sắc sảo, cùng những dẫn chứng tư liệu lịch sử tương đối khách quan, nhiều mặt; hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa đã giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về một giai đoạn lịch sử đầy biến động (khủng hoảng toàn diện cuối nhà Trần, và sự thay thế của vương triều Hồ), về chân dung của một nhà pháp trị Hồ Quý Ly cùng với nhiều biện pháp cải cách toàn diện...; và quan trọng hơn cả là rút ra được bài học quý giá “nếu muốn thành công, trước tiên phải biết cách thu phục lòng người”.
Sách còn có thêm một phần tham khảo giá trị: Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly của tác giả Giao Hưởng kể về quá trình nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đi tìm mộ của cha con Hồ Quý Ly.
Sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành vào tháng 5-2011, kịp trở thành một món quà kỷ niệm cho sự kiện thành nhà Hồ được UNESCO chính thức vinh danh là di sản văn hóa thế giới.