ĐỘC QUYỀN RƯỢU VÀ CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA PHÁP Ở ĐÔNG DƯƠNG
Cuốn sách này là thiên sử về một “chế độ (độc quyền) thất nhân tâm” vào bậc nhất trong nền cai trị của thực dân Pháp. Tác giả đã giúp chúng ta hình dung qua từng trang viết câu chuyện của những cá nhân, những nhóm người hay cả một tập đoàn của các nhà tư bản kết hợp với quan chức thực dân lũng đoạn cả nền kinh tế - chính trị - xã hội của xứ Đông Dương thuộc địa trong suốt 30 năm. Lồng trong những câu chuyện đó là những kiến thức thú vị về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị và văn hóa, giúp ta hiểu thêm về sự trỗi dậy và suy tàn của Vua Rượu Đông Dương Auguste R. Fontaine, thường được dân gian gọi là ông Phông-ten; hay sự hình thành và bành trướng của Sở Thương chính và Công quản, tục danh là Nhà Đoan, ngành công vụ lớn nhất Đông Dương đã gieo rắc bao sự kinh hoàng đến từng làng quê khắp Việt Nam, trong những cuộc lùng bắt rượu lậu, cũng như những mâu thuẫn nội tại của bộ máy cai trị thực dân giữa các quan chức thực địa nắm giữ các vai trò và quyền hạn khác nhau, và giữa họ với các thượng cấp ở Paris trong việc thiết kế và thực thi chế độ độc quyền rượu.
Có lẽ phần hấp dẫn nhất của cuốn sách là về chính món hàng mà người Pháp phải đổ bao công sức để cấm ngăn không cho dân ta nấu, bán và uống, đó là Rượu. Những khảo cứu công phu của Gerrard Sasges mang đến cho người đọc bức tranh sống động về kỹ thuật nấu rượu cổ truyền và “hệ sinh thái” rượu của ông cha ta; cũng như cơ sở khoa học và tài chính cho sự ra đời của “rượu ty” Phông-ten, một biểu tượng về sự khắc nghiệt của nền cai trị thực dân, đến nỗi đi vào thơ ca và cả trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sâu xa hơn nữa là những cách thức mà những người dân và cộng đồng làng xã Việt Nam đã thương thuyết và kháng cự chế độ độc quyền rượu của Pháp ngay trong các hoạt động thường nhật lẫn những sự kiện gây tiếng vang trên báo chí đương thời… (trích Lời tựa)