Tôi sinh ra ở quê nội Triệu Phong và lớn lên ở quê ngoại Vĩnh Linh, nơi có “Truông nhà Hồ” làm chùn chân bao khách bộ hành một thuở. Hai quê đều thuộc tỉnh Quảng Trị, cách nhau khoảng 40km. Thế mà, 60 năm trước, để trở lại quê sau khi tập kết ra Vĩnh Linh, ông bà nội và ba tôi đã phải đi chặng đường 21 năm ròng rã (1954 - 1975). Tại sao lại mất nhiều thời gian như vậy? Xin thưa ngay rằng, đó chính bởi sự ngăn cách của dòng Hiền Lương -Vĩ tuyến 17. Một dòng sông hiền hòa như bao dòng sông khác đã bị “sự sắp đặt sẵn” của các cường quốc tham dự Hội nghị Genève (1954) chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời. Bao cán bộ, đồng chí, đồng bào, trong đó có những người thân trong gia đình tôi, tập kết ra Bắc với lời hẹn hai năm sau sẽ trở về. Thế nhưng, sự can thiệp của Mỹ với tham vọng ngăn chặn làn sóng cách mạng lan xuống Đông Nam châu Á đã biến dòng Hiền Lương thực sự trở thành đường chia cắt đất nước. Bao gia đình lâm vào cảnh “chồng Bắc vợ Nam”, “cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ”,... Để vượt qua dòng sông rộng chưa đầy 100m, cả dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 21 năm ròng rã, với bao mất mát hi sinh để cho Nam Bắc sum họp một nhà. Đôi bờ giới tuyến đã trở thành “hình ảnh thu nhỏ” của nước Việt Nam trong thời kì 1954 - 1975. Sông Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 từ chỗ là “chặng dừng” của cuộc trường chinh vĩ đại gần một thế kỉ bền bỉ đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã trở thành một tiêu điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế khi Việt Nam là nơi tiêu biểu cho sự đối đầu Đông - Tây trong cuộc Chiến tranh lạnh.
Trong 21 năm đầy đau thương và anh dũng ấy, ở đôi bờ Hiền Lương đã diễn ra cuộc đọ sức “không tiếng súng” nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, với những hình thức đấu tranh đặc thù “có một không hai” như “đấu loa”, “đấu cờ”, sơn cầu, công tác tranh thủ,... Vượt lên tất cả sự chống phá quyết liệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam của những người làm công tác bảo vệ giới tuyến cùng sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng, cả nước nói chung và bè bạn quốc tế đã giành ưu thế trước chế độ thuộc địa kiểu mới ở bờ Nam. Kết quả là đến năm 1967, với việc khu phi quân sự Nam được giải phóng, đường giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước được xóa bỏ. Quá trình thống nhất đất nước về lãnh thổ bước đầu được thực hiện tại Vĩ tuyến 17.
Cuốn sách này ra đời nhằm tái hiện phần nào một số diễn biến nổi bật tại đôi bờ Hiền Lương - Vĩ tuyến 17, từ sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự (1954) đến khi đường chia cắt đất nước được xóa bỏ trên thực tế; quá trình hình thành những nhân tố hun đúc nên bản lĩnh kiên cường, bất khuất của người Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là bệ phóng đưa chủ nhân của mảnh đất này lên tầm cao “năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”.
Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, tác giả xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới PGS. TS. Lê Cung (Trường Đại học Sư phạm Huế) đã gợi ý, dìu dắt và giúp đỡ để tôi có điều kiện theo đuổi chủ đề này trong suốt một thời gian dài.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng nhận thức là một quá trình nên cuốn sách sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Tác giả xin nhận trách nhiệm về những sai sót này. Rất mong được sự lượng thứ và góp ý của bạn đọc xa gần.
Huế, tháng 7-2014
Hoàng Chí Hiếu