Mặt hồ trong xanh, in bóng hàng cây long lanh trong gió mây trời lồng lộng. Hồ nước ngọt của chúng ta đó, thứ của nả vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng, đang hiển hiện trước mặt ta đây. Nước hồ tưới mát mặt đất cỏ cây, cho đồng lúa xanh ngát, cho rừng cao su thẳng tắp hàng xa, cho cả miền Đông Nam Bộ hiền hòa xum xuê, hoa cỏ đơm bông kết trái cả hai mùa mưa nắng. Cái “túi nước của trời”… có phải trời cho, hay do bàn tay con người tạo nên!
Không bao xa, mới hơn ba chục năm trước khi chưa có Hồ Dầu Tiếng, Hồ Trị An, cả miền Đông Nam Bộ từ Bình Phước, Tây Ninh, tới Củ Chi, Hóc Môn, xuống Đức Hòa, Bình Chánh, từ Đồng Nai đến Bến Cát Bình Dương, khi sáu tháng mùa khô không có mưa, nắng chang chang, cây cối cằn cỗi, cánh đồng xác xơ, mặt đất héo khô, đến bờ đường lối đi cũng biến thành cát.
Bây giờ, chúng ta có ai tự đặt câu hỏi, vì sao lại có sự đổi thay ấy!.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, chúng ta hãy trở về quá khứ, trở lại với những con người làm thủy lợi ngày ấy để hiểu biết về một thời xây dựng. Từ Hồ Dầu Tiếng, đến Thủy điện Trị An, từ Hồ Đạ Tẻh, Ayun và hàng loạt công trình thủy lợi cho Đồng bằng sông Cửu Long: kênh Hồng Ngự, Sông Trăng, Tân Hưng, lên Hồ Cam Ly Thượng, Núi Le, Hồ Đá Đen… Các công trình mọc lên như Hoa của Đất rực tươi sắc màu. Ta hãy ngược thời gian về với người xây dựng thủy lợi của những năm 1980, ở thời kỳ mà đất nước còn khó khăn gian khổ thiếu thốn trăm bề. Những người nông dân, công nhân, những kỹ sư xây dựng thủy lợi, ngày đêm vất vả gối đất nằm sương, ăn đói mặc rách, đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu để chế ngự dòng nước. Những con người đã hóa thân vào dòng chảy, đỏ lòng nặng hạt phù sa cho đời; để có Nước cho Đất nở hoa, có Nước gieo mầm xanh cho Tổ quốc; có Nước, có Điện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam xây dựng, phát triển như ngày hôm nay.
Mã Thiện Đồng