KÝ ỨC KHÔNG PHAI
Tập sách mang tên "Ký ức không phai" mà các bạn đang cầm trên tay chính là một phần rất nhỏ của bức tranh nhiều màu sắc về những người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Họ là những cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau khi đi tập kết như sĩ quan quân đội Trần Văn Danh (sau này là Thiếu tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang), nhà báo Lưu Quý Kỳ (sau này là Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương), nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch (sau này là đạo diễn sân khấu, Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thành phố Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (sau này là bác sĩ - nhà điện ảnh, nhà văn). Họ là những học sinh tuổi vị thành niên như Đinh Miên (sau này là kỹ sư điện, Anh hùng Lao động), như Phan Trọng Nghĩa (sau này tốt nghiệp Đại học Hàng hải ở Liên Xô), nhiều người tuổi đời tính chưa đủ 5 ngón tay, có người phải ẵm trên tay như Trần Đức Hạnh (sau này là Tiến sĩ Toán Kinh tế), thậm chí còn nằm trong bụng mẹ khi xuống tàu tập kết như Huỳnh Dũng Nhân (sau này là nhà báo, nhà văn, họa sĩ). Cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam về những ngày đầu tiên đặt chân lên miền Bắc được đồng bào miền Bắc đón tiếp thân tình, nồng hậu ra sao; ký ức về những năm tháng “ngày Bắc, đêm Nam”, về sự phấn đấu không mệt mỏi trong học tập, làm việc để góp phần đẩy nhanh ngày nước nhà thống nhất, gia đình đoàn tụ; cả những câu chuyện không thể gọi là vui của tuổi học trò trong cuộc sống xa quê hương, gia đình, vắng cha thiếu mẹ… Tất cả những cảnh huống vui, buồn, tự hào, ân hận đều đã được 29 tác giả gửi gắm trong 58 bài viết trong sách, chia thành 3 phần: I) Theo dòng lịch sử: 70 năm - Ngày ấy, bây giờ (1954 - 2024); II) Ngày Bắc, đêm Nam - Chia ly và Đoàn tụ; III) Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức. Người đọc có thể nhận ra trong cuốn sách này không chỉ những mảnh đời đáng nhớ của cán bộ miền Nam, học sinh miền Nam trên đất Bắc, mà còn là những câu chuyện rất cảm động của những người con miền Bắc đã gắn bó gần như suốt tuổi thanh xuân của mình với học sinh các trường miền Nam trong vai trò thầy, cô giáo, như thầy Lê Ngọc Lập, cô Lê Thúy Quyến, thầy Nguyễn Quốc Thái…
Điều đặc biệt trong cuốn sách, nếu có thể nói như vậy, là chỉ trong chưa đầy 450 trang khổ vừa, người đọc có thể tiếp cận khá toàn diện với các tư liệu lịch sử vừa tóm gọn vừa chi tiết về Hiệp định Genève 1954 bao gồm cả những tình tiết lịch sử tế nhị hầu như chưa nhắc tới trong nhiều năm qua.
Với những gì có thể làm trong một thời gian rất ngắn, tuy không phải là cuốn sách đầu tiên viết về chủ đề học sinh miền Nam trên đất Bắc, hy vọng cuốn Ký ức không phai sẽ đem đến cho người đọc thêm những thông tin, thêm một cách nhìn về những người con miền Nam trên đất Bắc, trong đó có học sinh miền Nam. Với các sự kiện nhắc nhở ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Genève 1954 được tổ chức trong tháng 10/2024 tại Hà Nội (Họp mặt 70 năm Học sinh miền Nam), tại Thanh Hóa (khánh thành Khu lưu niệm và Bảo tàng Cán bộ, Chiến sĩ và Học sinh miền Nam tập kết), tháng 11/2024 tại Cà Mau (chương trình cầu truyền hình “Nghĩa nặng tình sâu” nối ba điểm cầu Sầm Sơn Thanh Hóa, Hải Phòng, Sông Đốc Cà Mau), cuốn sách rất khiêm tốn về mọi mặt này được xem như một món quà tinh thần cho những người quan tâm.