Không hiếm người cho rằng ra trận chỉ cần một viên tướng khỏe, giỏi võ nghệ phi ngựa ra thách đấu, thắng bại tùy thuộc vào cá nhân chứ không vào tập thể. Cũng có người lại quan tâm đến trận đồ, phù phép và hành quân không khác gì một bàn cờ mà hai bên phải tôn trọng những quy luật đã được định sẵn. Những giới hạn đó không phải không có nguyên nhân. Trước hết nước ta cũng như Trung Hoa có tinh thần trọng văn, khinh võ. Trong xã hội, quan võ luôn luôn bị coi thấp hơn quan văn và nỗi rẻ rúng đó bắt nguồn từ việc võ quan bị đồng hóa với người ít học, vai u thịt bắp.
Những võ quan cũng chỉ được tuyển mộ qua cưỡi ngựa bắn cung, xách tạ, lăn khiên… mà không được học tập một cách bài bản các kỹ thuật và kiến thức bài binh bố trận.
Thứ hai, binh thư vốn là sách cấm, những ai tàng trữ trong nhà hay lén đọc nếu phát giác có thể bị khép vào tội âm mưu phản loạn. Kiến thức quân sự vì thế hầu như chỉ thu lượm qua những bộ tiểu thuyết chương hồi không cung cấp cho con người một sở học đúng đắn. Đến khi hữu sự, việc chỉ huy lại giao cho một nguyên soái gốc là quan văn, quen với thơ phú hơn binh bị.
Trong tài liệu nước ta, sách vở do người mình trước tác về quân sự hầu như rất ít. Chỉ đến gần đây, chúng ta mới biết đến Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn và Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ mà thực chất cũng chỉ là những loại sổ tay (manual) bao gồm một số kiến thức cơ bản dành cho võ quan, dạy cách thức hành quân cấp nhỏ chứ không phải bàn về chiến lược quốc gia.
Ngược lại, Trung Hoa đã hình thành những tác phẩm quân sự từ lâu, nhiều công trình nghiên cứu quy mô đã xuất hiện từ cổ đại nhưng đến nay vẫn còn giá trị. Những tác phẩm đó không những bàn về chiến thuật, chiến lược mà còn hình thành một triết học quân sự gắn liền với văn hóa Trung Hoa, là những đóng góp đáng kể cho văn minh nhân loại.
Để tìm hiểu cũng như đánh giá động thái của một quốc gia to lớn ngay sát bên cạnh chúng ta, chúng tôi xin giới thiệu công trình của một học giả Đài Loan, hiện đang sống ở Canada. Đó là bản dịch cuốn Chinese
Military Theory: Ancient and Modern (Lý thuyết quân sự Trung Hoa xưa và nay) của TS. Chen-Ya Tien (田震亞: Điền Chấn Á) do Nhà xuất bản Mosaic Press, chi nhánh ở Oakville, Ontario, Canada ấn hành năm 1992....
Dẫn nhập
Kể từ giữa thập niên 1970, xu hướng chính trị thế giới đã dần dần tách ra khỏi đạo lộ đối cực để đi vào một hệ thống đa phương. Theo nhiều tài liệu khác nhau, những trung tâm quyền lực chính trị mới của thế giới có thể gồm cả Cộng đồng châu Âu, Liên Xô, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Trên định nghĩa kinh tế và quân sự, Trung Quốc có lẽ kém xa hai siêu cường kia và cũng chưa mạnh như hai cường lực còn lại trong một tương lai gần. Tuy nhiên, nếu nhìn vào dân số to lớn, tài nguyên dồi dào và một diện tích địa lý vĩ đại thì không ai dám phủ nhận là nếu không có những khủng hoảng xã hội - chính trị nội tại nghiêm trọng, Trung Hoa sẽ tiến lên trở thành siêu cường thứ ba và có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trị toàn cầu và an ninh thế giới.
Thương lượng trong hòa bình vốn dĩ phổ thông trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia. Thế nhưng tương quan quốc tế cũng phần lớn bị khống chế bởi các cường lực. Không vấn đề quốc tế nào liên quan đến những bất đồng lại không được hậu thuẫn bằng sức mạnh của quốc gia đứng sau các cuộc đàm phán. Quyền lực quốc gia bao gồm sức sản xuất kinh tế, kỹ thuật, tinh thần dân tộc, các điều kiện địa lý, chính trị, và quân sự... Nói gì thì nói, lực lượng quân sự luôn luôn là biểu tượng của sức mạnh quốc gia. Một quốc gia có một quân lực hùng hậu cần phải có một tư tưởng quân sự mạnh mẽ chỉ đạo các lực lượng võ trang trong tổ chức, huấn luyện cũng như lựa chọn chiến lược và chiến thuật. Không có một tư tưởng quân sự thích hợp, một lực lượng quân sự dù có vũ khí và trang bị tân tiến cũng chưa bảo đảm được sẽ thắng trận. Trái lại, nếu có một tư tưởng thích ứng hướng dẫn việc điều động các lực lượng, hiệu năng có thể lên cao và có thể đánh bại một lực lượng địch trang bị tối tân hơn nhưng thiếu tư tưởng hay chiến lược quân sự. Cho nên có thể nói rằng việc thể hiện một tư tưởng quân sự tới một mức độ nào đó phản ảnh việc phát triển kỹ thuật quân sự, và là linh hồn của quân đội. Nó có thể giúp cho quân đội hoàn thành sứ mạng. Ðó là lý do chính yếu tại sao cuốn sách này tập trung vào các tư tưởng quân sự hiện đại của Trung Hoa.
Kể từ thập niên 1950, các học giả phương Tây khi nghiên cứu về quân sự Trung Quốc đã chú trọng đặc biệt tới Quân Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army - PLA), lý thuyết về chiến tranh nhân dân hay những nguyên tắc quân sự, chủ thuyết và chính sách quốc phòng của Trung Quốc đại lục. Rất ít người nghiên cứu sâu hơn về các hệ thống quân sự cận đại hay lịch sử phát triển các tư tưởng quân sự.
Nghiên cứu lịch sử phát triển của các tư tưởng quân sự Trung Hoa không chỉ liên quan đến việc hoạch định chính sách mà còn quan trọng trong việc hiểu biết Trung Hoa cận đại và các hệ thống quân sự của họ vì hệ thống hiện đại nào cũng bắt nguồn từ lịch sử. Ðó là lý do tại sao nghiên cứu này bàn cả tới một phần triết học quân sự Trung Hoa thời cổ để tìm hiểu sự liên tục và ảnh hưởng tới việc phát triển tư tưởng quân sự Trung Quốc ngày nay.