Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca Chú Thích
Là một trong những tác phẩm địa phương chí Nam Bộ hiếm hoi viết bằng thơ lục bát đầu thế kỷ XX, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong là một tác phẩm có giá trị trên nhiều phương diện. Ngoài các giá trị tư liệu về lịch sử và văn hóa Việt Nam ở địa phương cho đến đầu thế kỷ XX, quyển sách còn gói ghém cả một nhận thức về hiện trạng xã hội và một cái nhìn về quá khứ văn hóa bên cạnh một ý thức về truyền thống Việt Nam ở Nam Bộ của nhiều người Việt Nam. Hơn thế nữa, đâu còn là một tác phẩm đáng quan tâm trên cả nhiều phương diện ngoài sử liệu, vì tuy bị quay lưng bởi chính quyền thực dân nhưng nó lại được xuất bản nhờ sự đồng cảm của một tư sản dân tộc là Đinh Thái Sơn và sự ủng hộ của nhiều nhân sũ ở Nam Bộ đương thời...
Mặt khác, được xuất bản từ 1909, tác phẩm này hiện cũng là một văn bản không phải dễ tìm đối với nhiều người đọc. Việc giới thiệu tác phẩm này vì vậy là một công việc cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, giới thiệu Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca không phải chỉ đơn giản là đem bản in năm 1909 ra sửa lỗi chính tả rồi xuất bản. Trước hết, là tác phẩm của một nhà nho, nó ít nhiều mang ảnh hưởng thi pháp truyền thống như sử dụng điển cố, hành văn theo lối Việt Hán và có nhiều từ ngữ cổ khó hiểu so với phần đông người đọc ngày nay. Thứ hai, ngoài nhiều tư liệu, sự kiện lịch sử và văn hóa Nam Bộ từ 1867 trở về trước, nó còn đề cập tới nhiều sự kiện và nhân vật ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những sự kiện và nhân vật nói chung chưa phải quen thuộc với nhiều người đọc. Thứ ba, ngoài những hạn chế này của tác giả, hoản cảnh chính trị đương thời còn buộc nó phải có một ngôn ngữ phù hợp hay ít nhất là vô hại đối với quyền lợi của kẻ thống trị thực dân, nên cũng dễ gây ra ngộ nhận đối với nhiều người đọc hiện tại. Thứ tư, Nam Kỳ phong tụ nhơn vật diễn ca còn sao lục hơn 20 tác phẩm thơ văn Hán Nôm, trong đó có vài tác phẩm ít được phổ biến như bài thơ điếu Võ Tánh của Lê Văn Khôi , hay mang nội dung yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân nhưng chỉ có phần văn bản chữ Hán và chữ Nôm, nên cần phải hiệu đính văn bản, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích... mới có thể phục vụ đông đảo người đọc.
Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích được biên soạn với mục đích giúp người đọc hiểu thật rõ ràng và chính xác ngôn ngữ cũng như nội dung của tác phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc tìm hiểu nó.