NGƯỜI MỸ DA ĐEN TRONG BẢN ĐỒ VĂN HỌC MỸ
Công trình này sẽ phác thảo hình ảnh người da đen trong văn học Mỹ từ ngày đầu lập quốc đến hết thế kỷ XX từ điểm nhìn tự bên trong của chính người da đen, và điểm nhìn bên ngoài của người da trắng. Nội dung trọng tâm của chuyến luận sẽ đi vào tìm hiểu vấn đề người da đen từ cảm quan nghệ thuật của ba nữ nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm viết về người da đen tiêu biểu nhất, trở thành những hiện tượng văn học nổi bật không chỉ của thời đại mà nó ra đời: Túp lều bác Tom (Uncle Toms Cabin, 1852) của Harriet Beecher- Stowe, Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind, 1936) của Margaret Mitchell và tiểu thuyết của Toni Morrison trong đó trọng tâm là Bài ca Solomon (Song of Solomon, 1977). Ba nhà văn này không chỉ thuộc về những sắc tộc và thời đại khác nhau mà họ còn sống trong những môi trường văn hóa khác nhau, có thể mang tính chất đại diện cho những vùng văn hóa khác nhau của nước Mỹ. Vì vậy, quan điểm của họ có thể xem là tiếng nói đại diện về/của người da đen trong suốt chiều dài hơn 400 năm lịch sử, trong chiều rộng không gian và chiều sâu văn hóa. Đây là điểm cốt lõi để có thể khảo sát người da đen trong bản đồ văn học, bản đồ văn hóa Mỹ.
Trải qua thời gian, các quan niệm, các hệ giá trị đều có thể thay đổi; từ quan điểm hôm nay để đánh giá lại các hiện tượng văn học, văn hóa trong quá khứ cũng chỉ là một cách nhìn và cũng có thể bị tương lai phủ nhận. Trong nỗ lực phục dựng lại hành trình hiện diện của người da đen trong văn học Mỹ, chúng tôi cố gắng lý giải các tác giả, tác phẩm hoặc quá trình tâm lý của nhân vật trong bối cảnh thời đại mà tác giả, tác phẩm hay nhân vật thuộc về. Có những giá trị thuộc về một thời, cũng có những hiện tượng bất tử và văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung có thể bất tử hóa giá trị một thời, những công việc của người nghiên cứu phải trả tác phẩm trở về đúng tinh thần của thời đại đó.