Trên cơ sở đẩy mạnh công tác chuẩn bị về mọi mặt, tạo ra riệt để sử dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, dưới sự lãnh của Đảng, quân và dân miền Nam đã đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao, đồng loạt Tổng tiến công và nổi dậy từ Trị Thiên đến Cà Mau, nhằm hướng chủ yếu là các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam và quần chúng phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục và học tập về tình hình mới, nhiệm vụ mới. Học tập lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, với khẩu hiệu hành động “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các tầng lớp phụ nữ đã có công lao đóng góp quan trọng từ công tác chuẩn bị phục vụ; công tác trinh sát, phục vụ đấu tranh vũ trang, che giấu cán bộ, cứu thương và công tác phục vụ cuộc Tổng tiến công. Tại các thành phố, một số cán bộ phụ nữ được bố trí hoạt động trong các cơ quan của chính quyền đối phương. Tại Sài Gòn - Gia Định, Ban Phụ vận Thành ủy cử những cán bộ nữ có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong nội thành, được quần chúng tin yêu, phụ trách xây dựng cơ sở. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chị đã gây dựng nhiều cơ sở chính trị trong quần chúng...
Trong Tổng tiến công và nổi dậy, cả miền Nam có hơn 2 triệu lượt phụ nữ vũ trang tham gia, giữ vị trí quan trọng trong chiến tranh du kích và tích cực đấu tranh với ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược; đã có nhiều cán bộ là phụ nữ ngã xuống trên
chiến trường và cả trong lao tù kìm kẹp của kẻ thù.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một loại hình chiến dịch hết sức độc đáo, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới; có vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, đã gây chấn động dữ dội trong dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới.
Năm 2013, nhân kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có chuyến công tác gặp gỡ những người phụ nữ tham gia Mậu Thân 1968, ghi chép và tổ chức cuộc tọa đàm chủ đề: “Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định và Khu Tây Nam Bộ trong Mậu Thân 1968”.
Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968 - 2018), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra mắt cuốn sách “Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Đây là những bài viết được nghiên cứu từ lịch sử Đảng bộ các tỉnh, thành và ghi chép từ những người phụ nữ trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Cuốn sách tập hợp những bài viết mang tính nghiên cứu của đội ngũ viên chức Bảo tàng và các Nhà nghiên cứu, các cộng tác viên nhằm giúp cho bạn đọc hiểu hơn về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vì là những bài nghiên cứu nhằm nêu bật những đóng góp và vai trò phụ nữ trong cuộc Tổng tiến công nên không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các Nhà nghiên cứu và bạn đọc.
Chân thành cảm ơn!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 12 năm 2017
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ