Phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ XIX bắt đầu ngay từ khi Pháp đặt chân xâm lược và diễn ra liên tục, tuy thiếu sự chỉ huy thống nhất, thiếu sự phối hợp nhưng phạm vi, tầm vóc hoạt động ngày càng rộng. Quan quân Triều đình Huế sau những trận giáp chiến đầu tiên với kẻ thù từ 1859 đến 1862 lần lượt bị thất bại, đã rút lui và dần dần từ bỏ vai trò kháng Pháp ở Nam Kỳ. Trong hoàn cảnh đó, nhân dân đã đứng lên cầm vũ khí dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, kể cả một số quan quân của triều đình, tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và tay sai bảo vệ quê hương, bảo vệ độc lập dân tộc.
Nhân dân Nam Kỳ kháng Pháp bằng quân sự, bằng sự bất hợp tác với địch, bằng vũ khí sắc bén của thơ văn, bằng phong trào “tị địa” của các sĩ phu. Đây là những nét độc đáo về phong trào kháng chiến chống Pháp của quân và dân Nam Kỳ, nửa cuối thế kỷ XIX, nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam anh hùng, mở đầu thời kỳ lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ trong gần ba thập kỷ này được đề cập một cách khái quát trong các bộ chính sử Việt Nam trước đây, mà chưa có một công trình nào đi sâu hơn để trình bày một cách chi tiết, cụ thể vấn đề này.
Trên cơ sở đầu tư rất nhiều cho việc sưu tầm, nghiên cứu, đối chiếu so sánh các sử liệu, tác giả Nguyễn Duy Oanh đã biên soạn thành cuốn sách Quân dân Nam Kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859-1885). Với công trình này tác giả giới thiệu một cách khá chi tiết về quá trình xâm lược vừa trắng trợn vừa lật lọng của thực dân Pháp trước thái độ lưng chừng, vừa đánh vừa muốn hòa của Triều đình Huế. Phần chủ yếu của cuốn sách tác giả đã tập trung trình bày diễn biến của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ, trong đó đã làm nổi bật lên vai trò của lớp trí thức và một số quan lại nho học yêu nước, họ vừa là người tổ chức lãnh đạo nhân dân đứng lên kháng chiến, vừa dừng ngòi bút của mình làm vũ khí chống thực dân Pháp và bọn tay sai một cách kiên cường bất khuất.
Trước việc Triều đình Huế ký Hàng ước 1862 cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, các sĩ phu yêu nước Nam Kỳ lại dấy lên phong trào “tị địa” - một phong trào phản kháng tuy thụ động, nhưng mang tính chất kịch liệt về ý thức, họ quyết không đội trời chung với kẻ thù, nó góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, không cộng tác với giặc trong nhân dân ở vùng bị địch chiếm đóng.
Cuốn sách Quân dân Nam Kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859-1885) của soạn giả Nguyễn Duy Oanh là một công trình nghiên cứu khá công phu, nó giúp cho người đọc hiểu biết cụ thể hơn, sâu sắc hơn về gần ba thập kỷ mà quân và dân Nam Kỳ đã đi đầu trong sự nghiệp chống thực dân Pháp của cả nước.Với ý nghĩa đó, việc ra mắt bạn đọc cuốn sách này chắc chắn sẽ góp phần nhất định cho công tác nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử khá phong phú của cách mạng cận đại Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30-4-1994
GS. HỒ SĨ KHOÁCH
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử
Thành phố Hồ Chí Minh