Năm 1987, tôi có viết một tập sách nhỏ (khổ 15x21cm) độ khoảng 30 trang, tựa : “Nói chuyện về Bệnh đái tháo đường”, trong khuôn khổ Hội Nội khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Cốt yếu nhằm phổ cập những kiến thức sơ đẳng về một loại bệnh mà ngày càng có nhiều người mắc phải, gần như một quy luật của những nước mới vừa thoát cơn nghèo. Tập sách được đón nhận với nhiều thiện cảm. Sau này Ban Y tế Nhà máy thuốc lá Sài Gòn cho in lại nhiều lần để phát không cho người muốn tìm hiểu về bệnh. Sau đó, có vài bệnh nhân tự động in đem tặng tôi gọi là “như in kinh mà đọc được”, còn trước kia cúng kinh, in ra mà không đọc được vì là tiếng Phạn (!)
Năm 2007, tôi duyệt lại toàn bộ và nhận định những quan điểm vẫn còn giá trị khoa học, chỉ có đơn vị cân lường là thay đổi và thống nhất theo Quốc tế.
Năm 2011, tôi về hưu sau hơn 50 năm thực tiễn và tham gia lâm sàng tại một bệnh viên đa khoa lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nghĩ ra mình còn giữ một số kinh nghiệm về bệnh đái tháo đường, một trong vài bệnh mình rất ưa thích do việc nghiên cứu ở nước ta về bệnh này có điểm khác với phương Tây, nếu không mang ra phổ biến, nay mai sẽ đem chôn oan uổng theo thân xác.
Để tham khảo, phần 2 quyển sách này ghi lại nguyên văn bài giảng chính quy tại một Đại học Y ở Pháp.
Đầu năm 2012, ở Pháp và Bỉ (phần nước nói tiếng Pháp) xuất hiện quyển sách tựa đề “Đái tháo đường, bệnh học lâm sàng” (tái bàn lần thứ 4). Ngoài bìa sách có ghi:
“… Trong 5 năm trở về đây, phạm vi hiểu biết về bệnh học đái tháo đường được mở rộng rất nhiều, cả về phương diện sinh lý bệnh và lâm sàng cũng như về phương diện điều trị, điều này là quyết định! Do đó, cần gấp rút kết hợp những quan điểm khoa học mới, những cách điểu trị độc đáo trong những trường hợp đái tháo đường týp 1 và týp 2, cũng như những hình thức thứ phát để quyết định cách chữa trị hiện đại”
“Trong tinh thần đó quyển sách này có tham vọng hòa hợp những hiểu biết căn bản trong quá khứ và các điểm đổi mới nổi bật trong hiện tại, trong triển vọng lâm sàng để phục vụ người bệnh”.
Tác giả là vị thầy dạy nội khoa - nội tiết – dinh dưỡng và là Chủ tịch của “Hội đái tháo đường nước Bỉ” từ năm 2011.
Đây là trường phái Công giáo đào tạo cấp đại học: Cliniques Universitaires St Luc.
Universite catholique de Louvain – Bruxelles (Bỉ).
Ở thế kỷ trước, có sinh viên Việt Nam sang học (vì trường không bắt buộc phải có bằng tú tài [lúc bấy giờ là “tú tài Pháp”]), nay đã thành tài.
Đọan cuối quyển sách xuất bản ở Bỉ ngắn, gọn vì ghi rõ mục tiêu:
Bệnh đái tháo đường là một hội chứng tuân theo nhiều nguyên nhân. Kết nối đái tháo đường với một nguyên nhân nào đó đưa đến nhiều hệ quả thực tiễn, xã hội kinh tế và cách điều trị quan trọng, chưa kể đến phương pháp này giúp khám phá một bệnh lý khác cần đến một cách điều trị riêng biệt”(Trang 33).
Ra mắt quyển sách này, tôi ước mong: cả người bệnh, cả người chữa trị, tiếp tục theo đường lối khoa học xưa nay của ta, hầu tránh những hệ quả đáng tiếc tại vài nơi trên đảo, thuộc địa cũ của Pháp ở Thái Bình Dương.
BS. LƯƠNG PHÁN