“Loài người tạo vòng vây của chính mình. Loài người đang cố sức thoát khỏi vòng vây… Trời cho ta thuốc quý giúp mỗi người thoát khỏi vòng vây quanh mình. Ăn lành – ngủ đủ – tập đều – sống vui. Đây là thuốc từ cơ thể, không mất tiền mua nhưng phải biết cách dùng”… Gần 300 trang sách trong tác phẩm mới nhất của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – cây bút quen thuộc với độc giả báo Sài Gòn Tiếp Thị – là những tâm tình ân cần, gần gũi như thế, giúp mỗi chúng ta biết cách để có thể là “bác sĩ cho chính mình”.
Thuốc quý đâu xa.
Buổi giao lưu chủ đề “Những bài thuốc quý” của hai bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Đỗ Hồng Ngọc nhân dịp ra mắt tác phẩmCon người trong vòng vây của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng sáng 24.3 tại Hội sách TP.HCM đầy kín khán giả, từ những cụ già râu tóc bạc phơ đến các sinh viên trẻ, những người từng được bác sĩ cứu sống, bạn đọc quen thuộc của tác giả qua mục Bác sĩ trò chuyện báo Sài Gòn Tiếp Thị, và rất đông thân hữu trong giới trí thức, doanh nhân, nhà báo…
GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng mở lời về những suy nghĩ phảng phất trong ông khi viết Con người trong vòng vây: “Từ xưa tới giờ, chúng ta thường tỏ ra bất lực khi đối diện với căn bệnh hiểm nghèo: “Trời kêu ai nấy dạ”, nhưng tôi muốn đưa ra một thông điệp mới: “Trời kêu không dạ”, vì bệnh ấy là tại mình, không phải tại trời! Vòng vây đó không phải của trời, mà của chính con người tạo ra, từ ăn uống, 40% bệnh có thể ngừa được. Vậy làm sao cho nhẹ gánh? Ăn lành – ngủ đủ – tập đều – sống vui là bài thuốc quý trời cho. Không mất tiền mua mà phải biết dùng. Từ ngàn xưa, con người đã biết hoà hợp với trời đất. Hoàng đế nội kinh bàn về dưỡng sinh, nuôi dưỡng cái sống, chú trọng dinh dưỡng tinh thần, ăn uống điều độ, rèn luyện thân thể và ứng hợp môi trường. Trang tử Nam hoa kinh đã thắm đượm cách nuôi sự sống cho mỗi người: “Ngủ không mộng mị, thức chẳng âu lo, ăn không cầu kỳ, hít thở thâm sâu”… lý lớn vô cùng. Một vị thiền sư thời nay có bài thơ thiền thật dễ hiểu: “Hít vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra miệng mỉm cười/ An trú trong hiện tại/ Giây phút thật tuyệt vời”. Nếu mỗi ngày bạn không ngủ đủ từ bảy đến tám tiếng đồng hồ, đời sống sẽ bị thun lại, óc không nở ra được. Ngủ đủ giúp cho bộ não sắp xếp lại, mềm dẻo hơn, giúp yếu tố tăng trưởng cao. Sống vui giúp bộ não làm việc tích cực, nhạy bén, không sinh ra độc tố. Cười che chở con tim, chống được bao bệnh, mình khoẻ ru thôi…”
BS. Đỗ Hồng Ngọc bày tỏ sự ngạc nhiên trước tác phẩm mới của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng: “Một vị bác sĩ say mê mổ xẻ, say mê khoa học đến giờ lại ngộ ra rằng người bác sĩ tốt nhất là chính mình. Người ta có thể nhịn ăn mười ngày vẫn sống được, nhưng nhịn thở 15 phút là có thể chết. Mà thở thì không ai thay mình cả. Không phải vô cớ mà ông Phật nói: “Hãy quay về nương tựa chính mình”. Đưa hơi xuống huyệt đan điền thực ra là phương pháp thở bụng chứ có gì đâu. Nó giúp mình thảnh thơi đầu óc, không vướng bận. Ngủ cũng là cả một nghệ thuật, phải biết cách ngủ mới thành công. Mình là bác sĩ tốt nhất để thay đổi lối sống. Mỗi bài thuốc quý không ở bác sĩ, mà ở mỗi chúng ta”.
Lá cải... bẹ xanh
GS.TS Vũ Đình Huy bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình: “Niềm lạc quan của bác sĩ đã truyền đến người đọc, bệnh nhân”. Còn đạo diễn Việt Linh thổ lộ: “Sau tai biến mạch máu não, nhiều bạn bè tưởng tôi không qua khỏi. Tôi thực hiện một cách xuất sắc những lời dạy của hai vị bác sĩ, biết buông bỏ những gì làm mình buồn, bắt đầu làm quen với những di chứng của bệnh, và tự tìm ra giải pháp cho mình. Lỗi là do mình đã đối xử quá tệ với bản thân. Xin lỗi bản thân, xin lỗi cơ thể cũng là cách để tôi biết sống có ích, cống hiến cho mọi người nhiều hơn…”
Sự tung hứng dí dỏm, sâu sắc của hai vị bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng và Đỗ Hồng Ngọc làm không khí oi bức tại hội sách như dịu hẳn. Đã quá trưa, nhưng nhiều người còn vây quanh GS.BS Nguyễn Chấn Hùng với những câu hỏi bất tận. Kết thúc buổi giao lưu, ông thổ lộ: “Chúng ta đều trong vòng trời đất, kính ngưỡng trời đất, nhưng chúng ta cũng phải biết 85% các loại bệnh không phải tại trời, mà do con người. Loại được những nguyên nhân đó để bệnh không nhập vô mình, thay đổi cách nhìn cũ là điều mà tôi suy nghĩ, để viết Con người trong vòng vây, truyền đạt cho mọi người cùng biết. Viết cho mọi người, văn phong phải giản dị, dễ hiểu, điều này tôi học được từ những người thầy như nhà văn Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Sơn Nam, và học được từ bạn tôi, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Chúng tôi thường đùa tụi mình giống nhau, viết “lá cải”, nhưng không phải lá cải đâu, là cải bẹ xanh đó, mát và lành lắm, thiếu là không được”!