Chămpa là một quốc gia cổ chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn minh Ấn Độ, từng tồn tại độc lập liên tục qua các thời kỳ từ thế kỷ II đến giữa thế kỷ XIX. Vào thời kỳ cực thịnh, cương vực của vương quốc Champa trải dài từ dãy Hoành Sơn (Quảng Bình) ở phía Bắc, cho đến Bình Thuận ở phía Nam, bao gồm các bình nguyên trên miền duyên hải, đó là một dải đất hẹp nằm ép sát giữa dãy Trường Sơn và Biển Đông, bị chia cắt thành nhiều vùng nhỏ bởi các ngọn đèo; nhưng cũng có ý kiến cho rằng lãnh thổ của vương quốc này bao gồm cả vùng cao nguyên và miền núi miền Trung (Quach-Langlet). Champa hưng thịnh nhất vào thế kỷ IX - X và sau đó dần dần suy yếu. Đến năm 1832, toàn bộ vương quốc sáp nhập vào Đại Nam dưới triều vua Minh Mạng (trị vì: 1820 - 1841). Trong công trình Un royaume disparu: Les Chams et leur Art xuất bản tại Paris năm 1923, Jeanne Leuba cho rằng, người Chăm là một giống người mạnh khỏe và hoàn mỹ, họ ngự trị trên dải đất miền Trung và miền Nam Việt Nam trước người Việt, đồng thời với người Khmer. Trong giai đoạn phồn thịnh, họ đã tạo nên một nền nghệ thuật phong phú và huy hoàng. So với văn minh Khmer, có lẽ nền văn minh Champa có trước, và hai nền văn minh đó đã lưu lại ngày sau những di sản không giống nhau. Phần nhiều kiến trúc Champa trải qua hàng thế kỷ đã bị thời gian, chiến tranh và con người tàn phá. Trong L’art du Champa (Ancien Annam) ét son Évolution, nhà lịch sử nghệ thuật Philippe Stern, Quản thủ Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Guimet (Pháp), cho biết, có khoảng 10 lần các thành phố được dùng làm kinh đô của vương quốc Champa liên tiếp bị tàn phá bởi các cuộc giao tranh với Trung Hoa, Khmer và Đại Việt. Chắc chắn rằng các cuộc chiến tranh liên miên đó đã dẫn tới sự suy tàn của vương quốc cổ Champa, kéo theo một nền văn minh từng phát triển huy hoàng cũng chìm vào quên lãng. Vì thế, những di sản quý giá cùng những nút thắt lịch sử của nền văn minh cổ Champa vẫn luôn là dấu hỏi lớn của giới nghiên cứu đương đại. Ngày nay trên dải đất miền Trung Việt Nam còn hiện diện khá nhiều nhóm đền - tháp Champa bằng gạch nung và sa thạch tại các di tích nổi tiếng như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Chiên Đàn, Pô Nagar Nha Trang, Dương Long, Tháp Đôi,... cùng hàng ngàn tác phẩm bằng sa thạch và hợp kim được trưng bày tại các bảo tàng trong nước và quốc tế. Nghệ thuật Champa đã góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của nền nghệ thuật Đông Nam Á bên cạnh một nền nghệ thuật Ấn Độ kỳ vĩ (Henri Parmentier, Boisselier, Trần Kỳ Phương, Shige-Eda). Ấn phẩm Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam là hợp tuyển những bài nghiên cứu công phu của các học giả trong và ngoài nước về nền văn minh cổ Champa, đặc biệt là những di sản văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam cũng như quá trình tiếp giao văn hóa,... đã được in trên các số Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng trong suốt 12 năm qua. Nội dung sách được chia làm hai phần chính với 30 bài viết: 1. Di sản văn hóa Champa. 2. Quá trình tiếp giao văn hóa. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả