Bồ Tát Tại Gia - Bồ Tát Xuất Gia (Tái Bản Lần 1)
Chúng ta có thể nói rằng kinh Duy Ma là kết quả của một cuộc vận động phản kháng chủ nghĩa xuất gia. Đạo Bụt không phải chỉ dành cho những người xuất gia, chán cõi đời này nên đi tìm sự an lạc Niết bàn cho cá nhân. Đạo Bụt là con đường mở ra cho tất cả nhân loại, cho tất cả các loài được hưởng.
Trong kinh Duy Ma, ta thấy quan điểm về Tịnh độ và quan điểm về thế giới được trình bày một cách rất rõ rệt. Kinh Duy Ma chú trọng đến cuộc sống hiện thực chứ không nhắm tới sự trốn tránh khổ đau trong một cõi Niết bàn nào khác. Cõi Tịnh độ đẹp đẽ hay khổ đau; những hoàn cảnh đó, những y báo đó, đều do nhân cách của con người định đoạt. Tâm của mình như thế nào thì thế giới của mình như thế đó. Tất cả tùy thuộc vào cách sống của mình trong ngày hôm nay. Nó là Tịnh độ, nó là Ta bà, nó là an lạc, nó là khổ đau, nó là giải thoát, nó là phiền trược, đều tùy thuộc vào thái độ và nhân cách của mình, tùy thuộc ở nhận thức của mình, và cách sống hàng ngày của mình trong hiện tại. Vì vậy mình không cần trốn chạy, mình chỉ cần thay đổi tâm của mình, chỉnh lý tâm của mình, gạn lọc tâm của mình thì thế giới nào cũng là Tịnh độ cả.