Mẹ - Biểu Hiện Của Tình Thương (Tái Bản 2019)
“Con hư tại mẹ!” Đó là câu nói con thường được nghe khi người con có gì đó sai trái, lầm lỗi. Thuở nhỏ, con thường hay thắc mắc mỗi khi nghe câu nói ấy: “Tại sao lại là mẹ, phải là ba chứ! Bởi ba là người dạy dỗ, răn nhắc mà!”. Nhưng bây giờ thì con đã hiểu tại sao người ta thường nói như thế rồi…
Mẹ! Một tiếng ngắn gọn, đơn giản nhưng chứa đựng trong đó biết bao nhiêu tình thương. Trên đời này không có món quà quý giá nào khác có thể thay thế người mẹ cho đứa con. Bởi vậy chỉ cần nghĩ đến mẹ là con đã thấy ấm áp và có niềm vui rồi. Tại sao vậy con cũng không biết nữa! Con chỉ biết mẹ là một cái gì đó gần gũi, thân thiết và không thể nào thiếu được trong cuộc đời của con. Có những điều con không nói ra và mẹ cũng không hỏi nhưng mẹ luôn hiểu được những gì con cần, con muốn.
Mẹ - Biểu hiện của tình thương giúp ta nuôi lớn tình thương, nuôi lớn tâm từ bi và giải tỏa được hận thù trong ta. Nói đến mẹ là nói đến tình thương bao la. Chỉ có mẹ mới có thể yêu thương con hơn bản thân mình.
Mẹ - Biểu Hiện Của Tình Thương. Đây không phải là tập sách mới xuất bản lần đầu, nhưng mãi mãi không bao giờ là cũ. Bởi con dù có lớn khôn, trưởng thành và bay xa đến đâu thì mãi mãi vẫn là con của mẹ, luôn nhỏ bé dưới tình yêu thương của mẹ.
Mẹ - Biểu Hiện Của Tình Thương là lời nhắc nhở về lòng hiếu thảo, về tình thương đối với Mẹ. Bởi vì Mẹ là tất cả những ngọt ngào, êm dịu, ngọt lành để ta lớn lên tươi mát, hồn nhiên. Và hãy luôn sống bằng trái tim người Mẹ - một trái tim kim cương - để học tha thứ, để học yêu thương...
Mẹ - Biểu Hiện Của Tình Thương còn là bài học về cách hành xử của đất, của nước, của lửa, của gió. Dù người ta có rải lên đất những thứ tinh sạch, thơm tho hay những thứ hôi hám và dơ dáy; dù người ta có đổ xuống nước những chất đẹp đẽ đầy hương thơm hay giặt rửa những thứ dơ bẩn và hôi hám; dù người ta có ném vào gió những hương thơm hay sự hôi thối; dù người ta có quăng vào lửa những cái xấu xa dơ bẩn hay đẹp đẽ thanh cao thì đất vẫn thản nhiên, nước không oán hờn, gió không chán chuờng, lửa không buồn tủi... Và vì thế hãy là cái tâm rộng lớn của đất để chuyển hóa, của nước để lưu chuyển, của gió để di động, của lửa để thiêu đốt.
Tác giả:
Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam.
Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Một số tác phẩm của ông: Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng - Nẻo về của ý - Am mây ngủ - Văn Lang dị sử - Đường xưa mây trắng - Truyện Kiều văn xuôi - Thả một bè lau - Bông hồng cài áo - Đạo Phật ngày nay - Nói với tuổi hai mươi - Trái tim của Bụt…