Tác giả của tác phẩm này đã khơi gợi sự chú ý của độc giả và đặt ra một câu hỏi mới cho giới phê bình văn học – việc tiếp xúc với quan điểm của Immanuel Kant trong Phê phán lý tính thuần túy[1] đã có ảnh hưởng nhất định đối với tư tưởng của Dostoevsky khi ông viết cuốn tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”.
Đây không phải là một nghiên cứu phê bình văn học triết học-lịch sử, mà nó được viết dưới dạng những suy tưởng của người đọc về mối liên hệ giữa tiểu thuyết của Dostoevsky với các nguyên lý nền tảng trong học thuyết của Kant về những nghịch lý – cái được cho là mâu thuẫn không thể hòa giải của lý tính thuần túy. Theo Kant, mặc dù những mâu thuẫn đó về mặt vũ trụ học là không thể dung hòa được, nhưng dường như Dostoevsky vén được lớp màn ra và nhìn thấy dưới đó một tầng ý nghĩa đạo đức sâu sắc hơn mà như thể Kant đã che giấu nó.
Tiểu thuyết của Dostoevsky chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trong “Dostoevsky và Kant”, nó không chỉ được làm sáng tỏ trong tình tiết diễn biến câu chuyện (bởi độc giả), mà còn trong ý đồ sâu kín (của tác giả), nghĩa là, trong ngụ ý sâu xa của tác phẩm. Nó được tiết lộ cùng lúc như một cuộc bút chiến giữa văn hào Dostoevsky và triết gia Immanuel Kant, như một cuộc đấu tay đôi liên tục giữa các nhân vật trong tiểu thuyết, và như cuộc đấu tay đôi giữa các luận điểm về những nghịch lý của Kant được Dostoevsky nhân cách hóa trong cuốn tiểu thuyết, được gọi là “chính đề” và “phản đề”.