Jean-Jacques Rousseau là một triết gia vĩ đại thời khai sáng. Tư tưởng và tầm vóc ảnh hưởng của ông lớn tới nỗi sử gia lỗi lạc Will Durant (tác giả của bộ sử kinh điển “Lịch sử Văn minh Thế giới”) đã gọi thế kỷ thứ 18 (Thế kỷ Ánh sáng) là thời đại Rousseau.
“Émile hay là về giáo dục” là tác phẩm quan trọng nhất của ông về giáo dục và được xem là một kiệt tác về giáo dục. Những tư tưởng nhân văn cốt lõi nhất của ông về giáo dục trong tác phẩm này có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền giáo dục tiến bộ ngày nay trên khắp thế giới.
Do vậy, chúng ta không thể tìm hiểu hay thấu hiểu về nguồn gốc của những tư tưởng giáo dục tiến bộ trong lịch sử nhân loại mà lại bỏ qua kiệt tác này. Vượt qua khoảng cách 260 năm, tưởng như Rousseau là người sống cùng thời với chúng ta, đang chia sẻ những nỗi lo âu và bất bình của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một nền giáo dục đang phạm nhiều sai lầm từ cơ sở triết lý, cách thiết kế cho đến phương pháp sư phạm với mọi hậu quả đáng sợ cho thầy cô lẫn học trò, phụ huynh lẫn con cái.
Chúng ta hãy lắng nghe ông nói về tầm quan trọng của giáo dục: “Người ta phàn nàn về trạng thái của tuổi thơ, người ta không biết rằng loài người sẽ tiêu vong, nếu như con người không khởi đầu bằng việc là trẻ thơ. Chúng ta sinh ra yếu đuối, chúng ta cần sức mạnh, chúng ta sinh ra chẳng có gì, chúng ta cần sự giúp đỡ, chúng ta sinh ra ngu ngốc, chúng ta cần sự phán đoán. Tất cả những gì chúng ta không có khi ra đời và chúng ta cần đến khi lớn lên, đều được sự giáo dục đem lại cho ta.”
Tuy nhiên, đó không phải là phương pháp giáo dục mang tính áp đặt lên “chủ thể” giáo dục (người học), mà là quá trình phát triển niềm yêu thích và hứng thú trong việc học.
"Thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy, thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta thôi". Trong khi đó, đúng ra "vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại cho người học hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn lên. Chắc chắn đó là một nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào.”
Thông tin tác giả
Sinh (1712 - 1778), nhà triết học, nhà văn, nhà sân khấu xuất thân từ một gia đình Pháp gốc Thụy Sĩ, được nuôi dạy theo truyền thống Tin lành. Với tư cách là một triết gia theo thuyết tự nhiên thần và nhị nguyên luận, ông đề cao tình yêu đối với thiên nhiên và có một quan niệm bi đát về xã hội, cho rằng xã hội văn minh làm hư hỏng con người. Với tư cách là một nhà văn, ông nổi tiếng trên văn đàn với những tác phẩm như Julie hay nàng Héloise mới (1761), Thú nhận (1782) Những mơ mộng của một người dạo chơi cô độc (1772 - 1778).
Những tác phẩm này thể hiện nhân cách phức tạp của Rousseau mà "những niềm say đắm dữ dội, trào dâng" luôn vấp phải thực tế và ràng buộc xã hội, bộc lộ rõ tư tưởng của Rousseau về quan hệ con người trong xã hội, tạo cơ sở cho sự hình thành tính tâm lí trong văn học châu Âu. Rousseau là đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa linh cảm trong lí luận văn học và sân khấu, là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền văn học Châu Âu không chỉ trong thời đại Khai sáng.