Giới thiệu sách Những Điều Tôi Tin
Betrand Russell (1872 - 1970) đã có nhiều đóng góp đối với triết học, đặc biệt là những tiểu luận triết học sắc bén về các đề tài nhạy cảm và còn gây tranh cãi cho đến tận hôm nay. Những điều tôi tin là một trong số đó. Qua quyển sách này, ông đã trình bày những điều ông nghĩ về vị thế con người trong vũ trụ và những con đường khả dĩ để thành tựu một cuộc đời thiện hảo.
Ra mắt năm 1925, Những điều tôi tin của Russell nhắm vào tôn giáo có tổ chức. Đây là quyển sách nhỏ viết về những chủ đề rất lớn. Cùng với Why I Am Not a Christian, tập tiểu luận này phải được xem là điển hình rõ nhất cho chủ nghĩa vô thần của Russell, và cũng là tập tiểu luận tai tiếng nhất. Được sử dụng làm bằng chứng trong một phiên tòa năm 1940, trong đó Russell bị cáo buộc là không thích hợp dạy triết học ở bậc đại học, Những điều tôi tin đã trở thành một trong những tác phẩm định hình tác giả rõ nhất. Những ý tưởng trong tiểu luận đến nay vẫn còn gây tranh cãi và mang tính báng bổ rõ rệt.
Russell tự gọi mình là người theo thuyết bất khả tri. Ông đặc biệt chống lại tư tưởng cho rằng luân lý bao gồm những quy tắc do thẩm quyền nào đó đặt ra, do Thiên Chúa hay do đấng siêu nhiên. Các quy tắc thì cứng nhắc, và ông tin chắc rằng, suy nghĩ thông minh về hành xử của chúng ta phải linh động tương ứng với tính khả biến của các sự việc.
Gần một thế kỷ đã qua từ khi ra đời, những luận điểm trong Những điều tôi tin vẫn tiếp tục thách thức niềm tin và những giả định của chúng ta.
Thông tin tác giả Bertrand Russell
Sinh (1872-1970), rất đa năng. Ông là triết gia, nhà Logic học, toán học, sử gia và nhà phê phán xã hội. Russell khởi xướng phong trào “phản-lý tưởng” đầu thế kỷ XX. Ông được coi như một trong những người đặt nền tảng cho học thuyết Triết lý Phân tích, cùng với triết gia tiên phong Gottlob Frege, và Ludwig Wittgenstein, bạn ông. Ông cũng được vinh danh như nhà Lôgic hàng đầu ở thế kỷ XX. Đồng tác giả với A. N. Whitehead, trước tác Principia Mathematica của ông là một công trình đặt toán học trên cơ sở Logic. Và trong luận đề “On denoting” (Về vấn đề biểu thị), ông đã sáng tạo một hệ hình cho triết học. Công trình khoa học của B. Russell ảnh hưởng đến sự triển khai của nhiều ngành như Logic, Toán, Lý thuyết Tập hợp, Vi tính, Triết học, và đặc biệt nhất là Ngôn ngữ học dưới góc độ Triết giải, Nhận thức luận và Siêu hình học.