Đây là cuốn sách được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Questions de sociologie – Những vấn đề của xã hội học, của P. Bourdieu, một trong những nhà xã hội học quan trọng nhất của nước Pháp nửa sau thế kỷ XX. Cuốn sách do hai nhà xã hội học Việt Nam là Nguyễn Quang Vinh và Trần Hữu Quang dịch thuật.
Cái thú vị của cuốn sách này là nó tập hợp các bản ghi chép những cuộc phỏng vấn sinh động của nhiều phóng viên với P. Bourdieu về những vấn đề nóng hổi của xã hội học gắn liền với thời sự nước Pháp trong những năm nửa sau của thế kỷ XX. Cuốn sách đề cập trực diện nhiều vấn đề cơ bản và khá gai góc của xã hội học trong bối cảnh đời sống chính trị-xã hội của nước Pháp mấy chục năm trở lại đây.
Là người bảo vệ mạnh mẽ cho giá trị của xã hội học với tư cách là một ngành khoa học, P. Bourdieu viết như sau : "Trong ngành xã hội học, có những giả thuyết gắn bó với nhau, những khái niệm, những phương pháp kiểm chứng, tức là tất cả những gì người ta thường gán cho một ngành khoa học. Vì thế, tại sao lại không gọi đó là một ngành khoa học, khi thực sự nó là như vậy?" P. Bourdieu cho rằng sức khám phá của môn học đặc biệt này – trong bối cảnh văn hóa-xã hội của nước Pháp – khiến cho một số người sợ hãi : "Cái khó khăn đặc biệt khi làm xã hội học thường nằm ở chỗ người ta đều sợ những gì mà họ khám phá ra. Xã hội học không ngừng làm cho những người thực hành nó đối diện với những hiện thực gai góc. Nó [tức xã hội học] thường làm tan vỡ các ảo tưởng !"
Cái khả năng "gỡ mặt nạ” của xã hội học đã hấp dẫn P. Bourdieu và khiến cho ông yêu thích câu nói của nhà triết học Pháp G. Bachelard : "Chỉ có khoa học về cái bị che giấu."
Cuốn sách của P. Bourdieu kể cho ta thấy cuộc phấn đấu không ngừng nghỉ của nhà xã hội học – và của cả công chúng nữa – để xây dựng vững chắc một nền khoa học dấn thân, cùng với một ngôn ngữ khoa học ngày càng sắc bén và không ngừng gần gũi hơn nữa với công chúng.
Tháng 12 năm 2022
Nguyễn Quang Vinh, Trần Hữu Quang
Thông tin tác giả Pierre Bourdieu
Sinh (1930-2002) được coi là một trong những gương mặt lớn nhất của giới nghiên cứu khoa học xã hội Pháp, và có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong nửa sau thế kỉ XX. Kế thừa di sản trực tiếp từ Marx, Weber, Mauss, Durkheim, Cassirer, Althusser, Bacherlard,... các nghiên cứu của ông xuất phát từ nhân học đã nhanh chóng chuyển sang xã hội học và được triển khai trên một quy mô rất rộng bao trùm nhiều ngành và lĩnh vực của khoa học nhân văn. Ông còn là một nhà khoa học nhập cuộc khi tham gia ủng hộ những hoạt động xã hội của giới công nhân, của những người đồng tính từ những năm 1980 và phê phán mạnh mẽ chính sách tân tự do.