Tác phẩm này là một trong những công trình xã hội học được đọc nhiều nhất trên thế giới.
Theo D. Martuccelli, chúng ta có thể coi cuốn sách này là “một bản tóm lược thực sự lịch sử của tư tưởng về xã hội”. Cũng theo Martuccelli, hai tác giả Berger và Luckmann đã nhiều lần đề cập tới những tư tưởng của truyền thống mác-xít, nhấn mạnh đến chiều kích lịch sử trong mối quan hệ qua lại giữa xã hội với cá nhân, và từ đó khai triển một tầm nhìn mang tính biện chứng về sự hình thành của trật tự xã hội. Hai tác giả này đã tìm cách nối kết và hội nhập giữa lý thuyết về chủ thể hành động của George H. Mead với lý thuyết về cấu trúc xã hội của Émile Durkheim nhằm đi đến chỗ nhận diện ra mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với xã hội.
Cuốn sách này là một tập khảo luận về xã hội học nhận thức. Nhưng Berger và Luckmann quan niệm rằng “nhận thức” không phải chỉ bao gồm những “tư tưởng lý thuyết” của các học giả hay các nhà tư tưởng, mà còn phải kể cả loại “kiến thức thông thường” của người bình thường trong cuộc sống hàng ngày.
Xuất phát điểm của tiến trình phân tích trong công trình này của Berger và Luckmann là thực tại cuộc sống thường nhật, nhưng đối tượng phân tích ở đây không phải là bản thân thực tại ấy, mà là thực tại dưới cái nhìn của lối suy nghĩ thông thường (common sense), bởi lẽ đây là một thực tại “được lý giải bởi con người và có ý nghĩa đối với họ về mặt chủ quan như một thế giới nhất quán”. Nói cách khác, đối tượng phân tích ở đây chính là cách nhận thức của người bình thường đối với thực tại mà họ đang sống và họ đang coi là thực tại. Theo lời hai tác giả, mục tiêu của cuốn sách là nhằm “truy tìm cách thức mà thực tại [xã hội] được kiến tạo nên”.
Berger và Luckmann là những nhà xã hội học đầu tiên phân biệt hai loại xã hội hóa: xã hội hóa cơ bản, và xã hội hóa thứ cấp, song song với quá trình hình thành “cái tôi”, tức cái “căn cước” của mỗi người chúng ta. Hai tác giả này đã khai triển một lý thuyết về định chế hóa, chính đáng hóa và xã hội hóa, và đã đi đến những kiến giải vượt ra khỏi ngành xã hội học, và lối tiếp cận “nhân văn” của hai tác giả có thể mang lại những suy tưởng mới cho nhiều ngành khác như nhân học, tâm lý học, sử học, và kể cả triết học.
Một số trích đoạn của tác phẩm Sự Kiến Tạo Xã Hội Về Thực Tại - The Social Construction Of Reality (Bìa Cứng)
“Cá nhân không chào đời là một thành viên của xã hội. Anh ta chào đời với một bẩm tính thiên về tính xã hội, và rồi anh ta trở thành một thành viên của xã hội.” (tr. 363-364)
“Định chế [xã hội] (…) giống như kịch bản chưa được viết ra của một vở kịch.” (tr. 262)
“Xã hội là một sản phẩm của con người. Xã hội là một thực tại khách quan. Con người là một sản phẩm của xã hội.” (tr. 238)
“Mối liên hệ giữa con người, [xét như là] nhà sản xuất, với thế giới xã hội, [xét như là] sản phẩm của anh ta, là và luôn luôn là một mối liên hệ mang tính biện chứng.” (tr. 237-238)
“Căn cước [của cá nhân] được định nghĩa về mặt khách quan là một chỗ đứng trong một thế giới nhất định, và chỉ có thể được [cá nhân] sở đắc về mặt chủ quan cùng với thế giới ấy. (…) Đứa trẻ học được rằng nó là cái mà nó được gọi. Mỗi tên gọi đều thuộc về một hệ thống danh xưng, và hệ thống này xác định chỗ đứng xã hội của mỗi tên gọi.” (tr. 369)
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Quang giới thiệu
Mục lục sách Sự Kiến Tạo Xã Hội Về Thực Tại - The Social Construction Of Reality (Bìa Cứng)
Lời giới thiệu (của Trần Hữu Quang)
- Mở đầu
- Tác giả và công trình
- Những điểm độc đáo của công trình
- Những đặc trưng của thực tại cuộc sống thường nhật
- Tiến trình kiến tạo thực tại xã hội và sự biện chứng của xã hội
- Sự chính đáng hóa và vũ trụ biểu tượng
- Tiến trình nội tâm hóa thực tại xã hội
- Một thí dụ: hôn nhân và việc kiến tạo thực tại trong đời sống hôn nhân
- Xã hội học về nhận thức
- Phương pháp hiện tượng học
- Ảnh hưởng của công trình và khuynh hướng kiến tạo luận
Lời tựa
Nhập đề : Vấn đề của môn xã hội học nhận thức
- PHẦN I. NHỮNG NỀN TẢNG CỦA NHẬN THỨC TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT
- 1. Thực tại cuộc sống thường nhật
- 2. Tương giao xã hội trong cuộc sống thường nhật
- 3. Ngôn ngữ và kiến thức trong cuộc sống thường nhật
- PHẦN II. XÃ HỘI XÉT NHƯ LÀ THỰC TẠI KHÁCH QUAN
- 1. Định chế hóa
Cơ thể và hoạt động
Những nguồn gốc của sự định chế hóa
Tiến trình trầm tích và truyền thống
Các vai trò
Phạm vi và những phương thức của sự định chế hóa
- 2. Chính đáng hóa
Những nguồn gốc của các vũ trụ biểu tượng
Những bộ máy tư tưởng nhằm bảo tồn vũ trụ biểu tượng
Cách tổ chức xã hội nhằm bảo tồn vũ trụ biểu tượng
- PHẦN III. XÃ HỘI XÉT NHƯ LÀ THỰC TẠI CHỦ QUAN
- 1. Nội tâm hóa thực tại
Xã hội hóa cơ bản
Xã hội hóa thứ cấp
Bảo tồn và chuyển hóa thực tại chủ quan
- 2. Nội tâm hóa và cấu trúc xã hội
- 3. Các lý thuyết về căn cước
- 4. Cơ thể và căn cước
Kết luận : Xã hội học nhận thức và lý thuyết xã hội học
Tài liệu tham khảo của P. Berger và T. Luckmann
Những công trình của P. Berger và T. Luckmann Chú giải thuật ngữ
Tài liệu tham khảo của người giới thiệu và người dịch
Index tác giả
Index chủ đề
Thông tin tác giả Peter L. Berger, Thomas Luckmann
Hai tác giả, Peter L. Berger (1929-2017) và Thomas Luckmann (1927-2016), đã trải qua những dòng tiểu sử khá giống nhau. Cả hai đều học trung học ở Vienna (Áo), rồi đều sang Mỹ sau Thế chiến thứ hai, đều là sinh viên của trường đại học New School for Social Research ở New York – một định chế học thuật cổ súy cho những dòng tư tưởng mới, tách rời khỏi truyền thống xã hội học đương thời vốn đang nằm dưới sự thống trị của tư tưởng chức năng luận của Talcott Parsons ở Đại học Harvard trong thập niên 1950.
Nhờ có được nhiều học giả khoa học xã hội di cư đến từ châu Âu trước và sau Thế chiến thứ hai, trường New School này là nơi phát triển truyền thống xã hội học Âu châu trên đất Mỹ, một truyền thống có đặc trưng là gắn kết chặt chẽ ngành triết học với các ngành khoa học xã hội. Chính là tại một cuộc tọa đàm ở trường này mà Berger và Luckmann đã có dịp gặp nhau lần đầu tiên.
Vì đều cùng cảm thấy thất vọng trước tình hình các lý thuyết xã hội ở Mỹ trong thập niên 1960, nên sau khi tốt nghiệp và ở lại trường để giảng dạy, Berger và Luckmann đã phát triển một viễn tượng lý thuyết xã hội học mới, tạm gọi là xã hội học theo hướng hiện tượng học, chủ yếu dưới ảnh hưởng của nhà triết học Mỹ gốc Áo Alfred Schütz, thầy của Luckmann ở trường New School này.