Con người, như một vài triết gia hiện đại nhận định, là kẻ lạc loài [bị tha hóa - N.D] trong thế giới của mình: y là một người dưng, run rẩy trong cái thế giới chưa bao giờ do y tạo ra. Có lẽ y là kẻ lạc loài thật; thế nhưng muôn thú và thậm chí cây cỏ cũng chẳng khác gì y. Chúng cũng được sinh ra từ thuở hồng hoang trong một thế giới lí-hóa, một thế giới chưa bao giờ do chúng tạo ra. Nhưng dù không tự tạo ra thế giới của mình, những sinh linh này đã cải biến nó tới mức không còn nhận ra được nữa, và đúng là chúng đã tái tạo cái góc trời nhỏ bé của vũ trụ nơi mình sinh ra.
...Chúng ta không hề tạo dựng thế giới của mình. Thậm chí cho đến giờ, ta cũng chẳng cải tạo được nó bao nhiêu so với những gì động vật biển và cây cỏ đã làm được. Tuy thế chúng ta đã tạo ra được một loại sản phẩm hay chế phẩm mới, có cơ với thời gian sẽ góp phần mang lại những biến đổi lớn cho góc trời của chúng ta, những thành quả vĩ đại không kém gì những thành quả của các bậc tiền bối, của đám cây cỏ, những nhà sản xuất oxy và của lũ san hô, những người xây đảo. Những sản phẩm mới đó chính do chúng ta tạo ra, chúng là những huyền thoại, những ý niệm, và nhất là những lí thuyết khoa học: những lí thuyết về thế giới ta đang sống.
Tôi thiết nghĩ phải coi những huyền thoại, những ý niệm và những lí thuyết đó như những sản phẩm đặc trưng nhất cho hoạt động của con người. Cũng giống như công cụ, chúng là những cơ quan tiến hóa bên ngoài thân xác của chúng ta. Chúng là những chế phẩm ngoại thể. Vậy là trong số những sản phẩm đặc trưng này chúng ta có thể đặc biệt tính đến cái gọi là “tri thức của con người”; mà “tri thức” ở đây phải hiểu theo nghĩa khách quan hoặc theo nghĩa không của riêng ai.
(Trích Một quan niệm Duy thực về Logic học, Vật lí học và Lịch sử)
Thông tin tác giả Karl Popper
Sinh (28/7/1902 - 17/9/1994), nhà triết học Anh, gốc Áo, nguyên Giáo sư Học viện Kinh tế London, được đánh giá là một trong những nhà triết học về khoa học có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Ông có nhiều công trình nghiên cứu rất sâu về lĩnh vực triết học xã hội và chính trị. Tư tưởng triết học của ông bao trùm các lĩnh vực: Triết học khoa học với các tác phẩm Logic của sự khám phá khoa học (Logik der Forschung, Wien, 1934), Phỏng định và Bác bỏ (Conjectures and Refutations, 1963), Tri thức khách quan (Objective Knowledge, 1972). Triết học chính trị và xã hội với các tác phẩm Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận (The Poverty of Historicism,1936, 1957), và Xã hội mở và những kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies, 1945).
Về tiến hóa và chức năng của ngôn ngữ: Karl Popper không những quan tâm tới triết học khoa học, triết học chính trị, mà còn đưa ra nhiều quan điểm hết sức độc đáo và sâu sắc về thuyết tiến hóa, về logic học, về nghiên cứu ngôn ngữ và nhiều lĩnh vực tư tưởng khác. Những ý niệm về các lĩnh vực đó được trình bày rải rác trong các tác phẩm lớn nói trên và trong những tác phẩm khác như: Quantum Theory and the Schism in Physics, 1956/57, Realism and the Aim of Science, 1956/57, Unended Quest; An Intellectual Autobiography, 1976..