Hiện nay, ở Việt Nam, hoạt động dịch thuật, giới thiệu các tác giả, tác phẩm kinh điển trên thế giới đang diễn ra rất sôi động. Thông qua dịch thuật, xuất bản, độc giả trong nước có điều kiện tiếp cận sâu rộng hơn những tinh hoa tri thức của nhân loại. Trong sự đa dạng, phong phú của hoạt động dịch thuật ở nước ta, không thể không kể tới những công trình dịch thuật thuộc lĩnh vực Triết học, đặc biệt là Triết học Pháp. Những tên tuổi như René Descartes, August Comte, Albert Camus, Jean Paul Sartre... đã không còn xa lạ với độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc tới Henri Bergson – Triết gia siêu hình học – “cha đẻ” của quan niệm về “trực giác”.
Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm của Henri Bergson đã được dịch và giới thiệu từ giữa thế kỉ XX, trong đó phải kể tới những công trình có vai trò mở đường, đặt nền móng cho sự phát triển của Triết học Bergson – Triết học về trực giác như Ý thức luận (Khảo luận về các dữ kiện trực tiếp của ý thức) (NXB Đại học Huế, 1962) và Vật chất và kí ức (NXB Đại học Huế, 1963).
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm vinh dự xuất bản cuốn sách Ý thức luận (Khảo luận về các dữ kiện trực tiếp của ý thức) trên cơ sở bản dịch trước của Cao Văn Luận và những bổ sung của người hiệu chú Phạm Anh Tuấn nhằm nâng cao giá trị của bản dịch đầu tiên nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng những đóng góp của người đi trước.
Nhằm giúp bạn đọc thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận nội dung cuốn sách, chúng tôi xin lưu ý một số điểm sau đây:
– Nội dung sách phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của Nhà xuất bản Đại học
Sư phạm và cũng không phản ánh quan điểm của người dịch, người hiệu chú.
– Do các điều kiện chủ quan và khách quan, khi tái bản cuốn sách này, chúng tôi chưa liên hệ được với các cá nhân và tập thể có liên quan, đặc biệt là người thừa kế di sản khoa học của dịch giả Cao Văn Luận. Chúng tôi cam kết khi nhận được thông tin về bản quyền từ những cá nhân, tập thể có liên quan, chúng tôi sẽ đảm bảo mọi quyền lợi của dịch giả về mặt bản quyền theo quy định hiện hành.
– Một số chữ viết tắt và kí hiệu dùng trong sách này với nghĩa như sau: Nd – Người dịch; Nhc – Người hiệu chú; [chữ nội dung] – Người dịch, người hiệu chú ghi chú thêm để làm rõ nội dung.