Tính từ năm 1698, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa nguyễn vào nam kinh lược, lấy xứ đồng nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa), lấy xứ Sài gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định), đến nay Sài gòn – Thành phố hồ chí minh sắp tròn 320 năm thiết lập nền hành chính. Chiều dài thời gian ấy đã kết tinh những đặc trưng của địa danh Sài Gòn thành di sản văn hóa phi vật thể, để gắn kết không gian đô thị với ký ức của cư dân bao đời sinh sống trên vùng đất này.
Nét riêng có của những hàng me với lá “ bay trong mắt, khắc trong tim” trên các tuyến đường trung tâm; bên những dòng kênh uốn lượn xuyên tâm các cây cầu chữ Y, chữ U độc đáo; trong những khúc nhạc du dương vào ngày cuối tuần từ phố Tây (đường Phạm Ngũ Lão) hay từ nhà hát Lớn (công trường Lam Sơn), từ các quán cà phê sân vườn hay cà phê hẻm quen thuộc, và những ngôi nhà, khu phố cổ bền bỉ sức sống...; đã khiến cho thành phố này mang miền nhớ cho bất kỳ ai từng đến, từng ngụ cư, rồi rời xa. Ký ức đó sống động đến độ chỉ cần nêu vài nét, nhắc vài điểm là gọi đúng tên Sài Gòn.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đang nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Sài Gòn hôm qua. Quy hoạch và quản lý không gian công cộng trên cao, trên bộ và trên sông là bài toán mà chính quyền thành phố đã chọn và đang đồng hành cùng nhân dân thành phố giải quyết.
Sài Gòn có lá me bay của phóng viên đỗ Quang Tuấn Hoàng là cuốn sách tập hợp các bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 2009, khi tác giả được phân công viết về đề tài đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng ở Thành phố hồ chí minh. với bố cục cuốn sách gồm 3 phần: Gọi tên là biết Sài Gòn; Vết xưa di sản; Đi tìm không gian quy hoạch, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn cung cấp cho bạn đọc thêm một dấu ấn đặc sắc của hơn 40 năm Thành phố Hồ Chí Minh trong dòng chảy 320 năm Sài gòn.
Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH