Bản năng sinh tồn của loài sinh vật hai chân quả thật kỳ vĩ dù bàn tay Thượng Đế cố tình đặt loài sinh vật nhỏ bé ấy vào trong những khối băng lạnh giá, cánh rừng già hoang vu hay đất đá khô khốc mùi hoang mạc. Bản năng sinh tồn ấy trỗi dậy để tìm lấy sự sống như cách ái phi Scheherazade đã kể cho vua Shahryar nghe những câu chuyện thần thoại và luôn kết thúc trong dở dang, gây tò mò khi ánh dương vừa ló rạng. Hàng đêm, khi ánh lửa liêu xiêu được thắp sáng trong cung điện, không gian nồng ấm mùi trầm Frankince, những xứ sở mới lạ hiện ra trong 1.001 câu chuyện thật sống động, lấp lánh sắc màu như suy nghĩ từ những người Hy Lạp đi trước mở đường, một phương Đông vô cùng huyền bí nhưng cũng là vùng đất đầy ma thuật, bùa ngải ẩn hiện vào những lọn tóc rắn của nữ quỷ Medusa...
Một vương triều Achaemenid của Đại đế Darius trỗi dậy từ thế kỷ 5 TCN quá hùng mạnh khiến người Hy Lạp không thể đặt chân đến Ba Tư khi họ luôn thất thủ tại eo biển Bophorus thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, trong khi đoàn quân thiện chiến Ba Tư liên tục vượt Địa Trung Hải mở những đợt vây hãm Hy Lạp. Nỗi buồn ghi thật sâu trong lòng những chiến binh Hy Lạp khi hoàng đế Ba Tư Xerxes I (519 - 465 TCN) đốt tan hoang pháo đài phòng thủ Acropolis ở thành Athen trong trận chiến mùa xuân 480 TCN. Khi trận chiến sống mái Plataea diễn ra năm 479 TCN đi qua, người Hy Lạp ca khúc khải hoàn bằng cây cột đồng dựng thẳng đứng và trên thân cột điêu khắc những con rắn ma quái phương Đông phủ phục và tôn vinh các vị thần của vùng đất Macedonia.
Không như nền văn minh Ai Cập với các vị thần hóa thân vào trong loài vật, Hy Lạp quá rực rỡ với các vị thần tuyệt đẹp đường nét bước ra từ bộ sử thi và là một trong những nền văn minh bản lề của phương Tây nên kẻ hậu bối như tôi chỉ nhớ đến công trạng hiển hách của Đại đế Alexandros của người Macedonia qua những trận chiến thần tốc khi ông xua đoàn quân thiện chiến về phương Đông. Tôi không biết được đại lộ giao thương Đông Tây từ đoạn Susa thuộc tỉnh Khuzestan - Iran đến Sardis - Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đã được Đại đế Darius xây dựng vào thế kỷ 5 TCN với tên gọi “Con đường Hoàng Gia”. Không còn huyền bí ma thuật như những lời đồn đãi, đoán mò của những người Hy Lạp trước đây, mà hành quân theo “Con đường Hoàng Gia” đã được người xưa thiết lập, Ba Tư trong ánh mắt của ông Alexandros vào thế kỷ 3 TCN là ngôi sao đích thực của mỹ thuật phương Đông với những đền đài lăng tẩm đẹp không sao tả xiết. Một nền văn minh rực rỡ của nhân loại được hỏa thần Ahura Mazda và nữ thủy thần Anahita ươm mầm sống trong lòng sa mạc rộng lớn.
Thuở bé thơ sống trong những câu chuyện cổ tích, tập truyện Ngàn lẻ một đêm được viết từ kinh đô Baghdad – Iraq dẫn lối tôi vào vương quốc thần tiên. Lớn hơn một chút, những áng thơ của các đại văn hào Ba Tư trong thời Trung cổ lại ru lứa tuổi mộng mơ vào giấc ngủ nên thơ. Và cho đến một ngày tâm hồn chuyển qua đam mê kiến trúc mỹ thuật, Ba Tư lại cuốn hút tôi bằng những viên gạch men nền nã được ốp trên những mái vòm hay các cổng chào theo nghệ thuật tổ ong. Một vài người bạn đồng hành nói rằng: “Ba Tư vẫn huyền thoại như những tác phẩm văn học cổ có sức ảnh hưởng rộng lớn trên vùng đất Nam - Trung - Tiểu Á và trên những vùng đất ấy vẫn còn giữ lại những phong tục cổ truyền của người xưa. Ba Tư vẫn long lanh nét đẹp phương Đông khi các kiến trúc sư phương Tây vay mượn mái vòm Ba Tư và nghệ thuật sân vườn để thiết kế những công trình lớn trên lục địa già cỗi, dù co cụm về lãnh thổ nhưng vẫn oai hùng một thuở khi rất ít vó ngựa viễn chinh từ bên kia Địa Trung Hải có thể băng ngang qua được vùng đất Ba Tư...”
Trong dòng chảy hiện đại, Ba Tư vẫn huyền bí đến mơ hồ khi tôi đọc qua các bản tin trên phương tiện truyền thông quốc tế.
Trỗi dậy từ bán đảo Tây Á vào thế kỷ 7, các vị vua Hồi chọn Ba Tư đầu tiên để truyền bá tôn giáo bởi ánh vàng son của vương quốc ấy có sức ảnh hưởng rộng khắp trên vùng đất châu Á.
Bước chân qua một vài vùng đất Hồi giáo trước đây, người địa phương kể rằng nghề dệt thảm có cội nguồn từ vùng đất Hồi giáo Ba Tư và nếu mua làm quà lưu niệm thì không đâu đẹp bằng Iran. Nét văn hóa từ ngàn xưa ấy được tôn vinh bằng câu chuyện chiếc thảm thần trong Aladin và chiếc đèn thần được phương Tây loan truyền bằng nhiều bộ phim cùng tên. Tôi muốn đến Iran vẫn còn trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, không vì những lời khen ngợi can đảm từ bạn bè hay một chút kiêu hãnh trong lòng mà chỉ vì câu nói của người xưa “Vàng son một thuở Ba Tư”. Hai lần đến Iran theo tiếng gọi đam mê khác nhau của những nét văn hóa cổ xưa, tôi mơ ước được sở hữu trong tay chiếc thảm thần để được bay đến Ba Tư nhiều lần hơn nữa. Bởi một lý do rất đơn giản, chiếc vé máy bay và tấm visa để vào Iran đã ngốn một số tiền không nhỏ trong chuyến đi...