Gốm Sài Gòn là tên gọi để chỉ một dòng sản phẩm gốm sứ ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong thực tế việc sử dụng tên gọi “Gốm Sài Gòn” có phần tùy tiện và không có sự nhất trí nhau: hoặc để chỉ chung cho các sản phẩm của tất cả các dòng sản phẩm gốm sứ đã được sản xuất ở Sài Gòn - Chợ Lớn (hiểu là địa bàn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), hoặc để chỉ dòng sản phẩm gốm sứ bạch dứu ra đời vào nửa đầu thề kỷ XX. Dù được dùng theo nghĩa nào, thì dòng gốm Sài Gòn đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định về lịch sử, chủng loại, đặc điểm... của chúng. Tập sách này là nỗ lực bước đầu nhằm cung cấp những dữ liệu cần thiết để có được hiểu biết cơ bản về Gốm Sài Gòn.
Để biên soạn tập sách nhỏ này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ và chỉ dẫn tận tình của các nhà sưu tập gốm Nam bộ.
Nhân đây, xin được gởi lời tri ân; đặc biệt cảm ơn các nhà sưu tập Lê Nhân Kiệt, Huỳnh Thanh Giang, Đỗ Quyên... đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi được tiếp xúc với các sản phẩm gốm Sài Gòn để nghiên cứu cũng như chia sẻ những kiến thức liên quan đến dòng gốm sứ này.
Nhóm Biên soạn
GỐM SÀI GÒN - NGHỆ PHẨM THỜI DANH CỦA HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG
Gốm Sài Gòn là tên gọi để chỉ một dòng sản phẩm gốm sứ ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong thực tế việc sử dụng tên gọi “Gốm Sài Gòn” có phần tùy tiện và không có sự nhất trí nhau: hoặc để chỉ chung cho các sản phẩm của tất cả các dòng sản phẩm gốm sứ đã được sản xuất ở Sài Gòn - Chợ Lớn (hiểu là địa bàn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), hoặc để chỉ dòng sản phẩm gốm sứ bạch dứu ra đời vào nửa đầu thế kỷ XX. Dù được dùng theo nghĩa nào, thì dòng gốm Sài Gòn đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định về lịch sử, chủng loại, đặc điểm... của chúng.
Một cách tổng quát, tên gọi “Gốm Sài Gòn” như vậy khu biệt với loại sản phẩm sành men màu “thái dứu đào” thuộc dòng gốm Quảng, tiêu biểu là “Gốm Cây Mai” và cũng khu biệt với sản phẩm “hắc dứu đào” (bao gồm sản phẩm sành da lu/sành nâu, đồ sành men đen, men da lươn...) thuộc dòng gốm Phước Kiến. Nói chung, “Gốm Sài Gòn” là tên gọi để chỉ các sản phẩm “bạch dứu” đạt chất lượng tạo tác cao - cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, được sản xuất ở Sài Gòn vào những thập niên đầu của thế kỷ XX.
Tập sách này là nỗ lực bước đầu nhằm cung cấp những dữ liệu cần thiết để có được hiểu biết cơ bản về Gốm Sài Gòn.
…
Gốm Sài Gòn thuộc chung dòng “bạch dứu” với dòng gốm này của gốm Lái Thiêu. Vậy chúng có đặc điểm khác biệt nào?
Các nhà sưu tập đều nhất trí rằng:
1/ Gốm Sài Gòn tráng men cả bên ngoài lẫn bên trong, khác gốm Lái Thiêu chỉ có men bên ngoài;
2/ Xương gốm trắng, cứng đanh (ngạnh đào/sành cứng; có trường hợp gọi là “bán sứ”) khác gốm Lái Thiêu: cốt ngà ngả qua xám, xốp (nhu đào);
3/ Lớp men áo ngoài bóng hơn lớp áo của gốm Lái Thiêu;
4/ Nói chung, gốm Sài Gòn được trau chuốt, tô vẽ công kỹ hơn gốm Lái Thiêu và do đó, được giới chơi đồ cổ yêu chuộng hơn.
Nói chung, những tri thức được tập hợp từ nhiều nguồn và đặc biệt là những sở kiến của nhiều nhà sưu tập “Gốm Sài Gòn” trên đây, đã khu biệt dòng sản phẩm được gọi là “Gốm Sài Gòn” với các sản phẩm của các dòng gốm khác ở vùng đất này, đặc biệt không đồng nhất với sản phẩm “thái dứu đào”, gọi là “Gốm Cây Mai” ở xứ Đề Ngạn/Sài Gòn xưa.