Công trình của Louis Malleret với nhan đề "L'Archéologie du delta du Mékong (Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông)", gồm 4 tập, ấn hành từ 1959 đến 1963, đến nay vẫn là một điểm khởi đầu bắt buộc cho tất cả mọi nghiên cứu khảo cổ về các tỉnh miền Nam của Việt Nam"
Tập II bộ sách này cho thấy Louis Malleret đã nghiên cứu một cách toàn diện và chi tiết nhiều phương diện văn hóa của miền Tây sông Hậu, giúp chúng ta nhận diện được các loại hình cổ vật Óc Eo, phương thức sản xuất và ảnh hưởng kỹ thuật cũng như mối quan hệ giao thoa văn hóa của cư dân Óc Eo với các nền văn minh khác trong khu vực.
Tập II - "Văn minh vật chất Óc Eo" được chia làm hai quyển (chính văn và phụ bản).
Quyển I dành cho việc khảo sát, khai quật, miêu tả hiện vật và nghiên cứu khảo cổ. Nội dung quyển I gồm ba phần: Phần 1 giới thiệu các hiện vật là công cụ lao động, sinh hoạt của cư dân thuộc văn hóa Óc Eo, chất liệu được làm bằng đá và xương răng của các loài động vật. Phần 2 giới thiệu chi tiết các hiện vật bằng đất nung bao gồm các công cụ được sử dụng trong hoạt động thủ công nghiệp làm gốm, kim hoàn và các loại đồ gốm được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân văn hóa Óc Eo. Phần 3 là những nghiên cứu về kỹ thuật luyện kim đồng và sắt của cư dân cổ cùng các hiện vật được làm bằng kim loại như tượng của các vị thần và Phật, nhạc khí, đồ trang sức và các hiện vật kim loại của nước ngoài được phát hiện ở các di chỉ Óc Eo.
Quyển II là phần phụ bản bao gồm hình ảnh và chú thích về các dụng cụ, di vật thu thập được từ các cuộc khai quật quần thể di chỉ Óc Eo và ba Thê cùng với một số ảnh chụp, ảnh dập từ nguồn ảnh liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Nhiều hiện vật được chụp từ các góc độ khác nhau kèm với số đo, kích thước, đường kính rất chính xác, tỉ mỉ.
----------
Tác giả Louis Malleret (1901-1970)
Từ một giáo viên dạy văn trẻ tuổi mới tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Saint-Cloud, ông xin được chuyển sang Đông Dương công tác và có mặt ở Sài Gòn vào năm 1929. Hơn một phần tư thế kỷ lưu trú ở Việt Nam (1929-1957) đã đưa Louis Malleret thành biểu tượng cho những tiến bộ về nghiên cứu châu Á và những thay đổi tích cực của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO). Chính ông là người đã phát hiện ra thương điểm chứng minh sự tồn tại thực sự của đất Phù Nam xưa. Cũng chính ông đã lãnh đạo EFEO từ năm 1950 đến 1956, thời kỳ mang tính bước ngoặt đối với lịch sử của Viện. Trước đó, ông từng là thủ thư ở Hội Nghiên cứu Đông Dương (1930-1942) và là Tổng thư ký của Hội (1942-1948), quản đốc Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 1935, Malleret trở thành chuyên gia chính thức của EFEO kể từ năm 1943.
Là một người đa năng, nhà khảo cổ học Louis Malleret đã đồng thời theo đuổi đam mê thời trẻ của mình về lịch sử hiện đại, nghiên cứu văn học, từ thủ thư đến quản đốc bảo tàng. Lý lịch độc đáo của nhà nghiên cứu này đã cho phép trụ sở của EFEO được tạm thời bố trí ở miền Nam, trước khi chuyển hẳn về Paris vào năm 1963. Đặc biệt là ông đã góp phần mở rộng hợp tác hiệu quả trong giới hạn lâm Pháp-Việt và trên trường quốc tế, quy tụ họ xung quanh các bộ sưu tập và các nguồn tài liệu lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.