Trung Quốc là đất nước rộng lớn, nơi các hình thái hoạt động của hí kịch vô cùng phong phú, đa dạng và được phân bố khắp các vùng lãnh thổ.
Hình thức hí kịch thường gặp nhất ở Trung Quốc bây giờ là sự kết hợp giữa ca hát và biểu diễn. Đây là một hoạt động nghệ thuật mang tính đại diện và độc đáo của loại hình nghệ thuật hí kịch Trung Quốc. Hí kịch có nguồn gốc từ thế kỉ thứ XII, xuất hiện muộn hơn so với kịch cổ Hi Lạp và Ấn Độ. Trong thời gian dài trên 800 năm, hí kịch Trung Quốc vẫn giữ được những hình thái cơ bản của nó. Do vậy, trong các loại hình hí kịch được lưu truyền rộng rãi hiện nay trên thế giới, hí kịch Trung Quốc có thể vẫn là một trong những loại hình kịch có lịch sử lâu đời nhất.
Với tình tiết phong phú, cộng thêm hình thức biểu diễn giàu tính nghệ thuật, hí kịch được nhiều thế hệ người dân Trung Quốc yêu mến. Trong biểu diễn hí kịch, hình thức hư cấu được sử dụng nhiều, điệu hát được qui định bởi âm luật rất đặc biệt, lời thoại của nhân vật tuân thủ theo niêm luật thơ, trong vũ kịch còn sử dụng những thế võ trong võ thuật để tạo kịch tính khi biểu diễn.
Bốn hình thức biểu diễn cơ bản của hí kịch Trung Quốc là “xướng, niệm, tác, đả”. Những hình thức biểu diễn này dựa trên nguyên tắc hư cấu (như lên lầu, diễn viên chỉ cần làm động tác vén áo, nhấc chân; đóng mở cửa, trên sân khấu không có cửa, thì căn cứ theo động tác thể hiện của tay; hoặc tay diễn viên thay thế cho đạo cụ là cương ngựa hay mái chèo, phối hợp với các động tác cơ thể, có thể biểu diễn động tác cưỡi ngựa hoặc chèo thuyền), do vậy trên cơ sở tả thực với sự biến hóa và chọn lọc, làm cho các động tác của diễn viên trên sân khấu thêm mĩ miều, động tác tay, ánh mắt, cơ thể của diễn viên đều có ý nghĩa rất phong phú, tức là có tính tường thuật rất cao, thể hiện sinh động trạng thái tâm lí vui buồn yêu ghét của nội tâm nhân vật. Giọng hát và lời thoại mang tính nhạc cao đã nhấn mạnh chức năng trữ tình của hí kịch. Điều này làm cho hí kịch Trung Quốc có ưu thế đặc biệt trong việc xử lí và thể hiện tâm lí uyển chuyển, tinh tế của nhân vật trong những trạng thái phức tạp. Trong kết cấu chỉnh thể của hí kịch Trung Quốc, nhân vật chính hoàn thành vai diễn của mình thông qua làn điệu hát, đặc biệt ở những phân khúc chính sẽ có làn điệu tiết tấu dài và sự thay đổi tâm lí để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Nghệ sĩ hí kịch xuất sắc thường được người xem yêu thích bởi khả năng ca hát với âm giọng đặc biệt. Hí kịch cũng có nhiều trường phái khác nhau được phân biệt bởi âm nhạc, chất giọng đặc trưng và khả năng biểu diễn trên sân khấu.
Xét trên nguyên tắc mĩ học nghệ thuật biểu diễn, sân khấu hí kịch truyền thống Trung Quốc cũng có tính hư cấu rất cao. Chỉ với một cái bàn, hai cái ghế và một vài đạo cụ đơn giản, nhưng không gian và hoạt cảnh của kịch truyện đều được giới thiệu đến khán giả thông qua nghệ thuật hư cấu trong biểu diễn cũng như ca từ, lời thoại của diễn viên. Do vậy, hí kịch có tính linh hoạt cao, có thể thay đổi hoặc di chuyển tự do. Ví dụ diễn viên đi một vòng tròn trên sân khấu là đã có thể biểu thị việc bôn ba trăm núi ngàn sông.
Sự hóa trang của các nhân vật hí kịch luôn tuân thủ theo một quy tắc nhất định. Trang phục của nhân vật lịch sử được thay đổi dựa trên cơ sở trang phục đời nhà Minh (1368 - 1644). Điều này đã thành thông lệ và dùng trong hầu như toàn bộ các nhân vật hí kịch trong các thời đại. Nhân vật hí kịch hóa trang rất đậm, đặc biệt một bộ phận nhân vật nam có gương mặt hóa trang cố định, tạo hình hơi khuyếch trương nhưng độc đáo, thường có ngụ ý riêng. Ví dụ như mặt đỏ biểu thị lòng trung dũng chính nghĩa, mặt đen chỉ người thô mãng bộc trực, mặt to và trắng biểu trưng kẻ nham hiểm, xảo trá.
Hí kịch đều lấy “xướng, niệm, tác, đả” làm thủ pháp biểu diễn cơ bản, nhưng hí kịch các vùng lại phân thành các loại hình kịch khác nhau. Ranh giới của các loại hình kịch, đầu tiên là âm nhạc khác nhau, như khác nhau về tiết tấu, làn điệu, nhạc cụ đệm. Mà những sự khác nhau này lại có liên quan đến nét dị biệt về thanh điệu ở phương ngôn. Diện tích lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn, ngôn ngữ các vùng khác nhau rất nhiều, nên để hiểu được tự sự và trữ tình của các nhân vật hí kịch thì người xem phải biết được phương ngôn của các vùng. Ngược lại khi diễn xướng, diễn viên phải sử dụng phương ngôn của từng vùng khi diễn xướng ở nơi đó. Thanh điệu và vần của phương ngôn sẽ ảnh hưởng tới tiết tấu âm nhạc ở một mức độ nào đó. Trong lịch sử Trung Quốc đã từng có hơn 300 loại hình kịch khác nhau của các vùng. Hiện vẫn còn khoảng 200 loại đang được lưu truyền. Điều này đã thể hiện được sự phong phú và sự đa dạng phong cách của hí kịch Trung Quốc.
Từ đầu thế kỉ XX, do ảnh hưởng của nghệ thuật biểu diễn phương Tây, nên ở Trung Quốc cũng xuất hiện “kịch nói” không dùng thủ thuật hát. Một trăm năm trở lại đây, kịch nói đã cắm rễ sâu và dung hòa với văn hóa Trung Quốc, và đây là một trong những loại hình kịch có ảnh hưởng nhiều nhất ở Trung Quốc. Sự phát triển và phồn vinh của kịch nói tăng thêm một bức tranh mới cho hí kịch Trung Quốc, làm cho nền nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc thêm phong phú, đa dạng ở góc nhìn toàn cảnh.