KINH KỊCH TRUNG QUỐC
Tác giả: Từ Thành Bắc
Dịch giả: Ths. Trương Lệ Mai
Khổ sách: 15.5X23 cm
Số trang: 156 trang
Trọng lượng: 290 g
Năm xuất bản: 2013
Người nước ngoài khi vừa đặt chân đến Bắc Kinh thường sẽ đi tham quan Trường Thành, Cố cung và Thiên Đàn trước, ba nơi này là khu di tích lịch sử tiêu biểu nhất của Bắc Kinh. Nếu đi du lịch theo đoàn thì đến buổi tối, hướng dẫn viên du lịch sẽ dẫn đoàn đến Nhà hát kịch lớn Trường An nằm trên đường Trường An (con đường chủ đạo bắc ngang hướng đông và tây của Bắc Kinh). Hội trường của nhà hát kịch được trang hoàng lộng lẫy, có các tủ kiếng bán đồ thủ công mỹ nghệ dân gian, có thể mua được các kiểm phổ (dịch nghĩa: mặt nạ) Kinh kịch và các sách giới thiệu về Kinh kịch Trung Quốc, các tác phẩm hội họa, đĩa nhạc và đĩa hình...; dàn loa của hội trường phát ra các phân đoạn ca khúc Kinh kịch, dù rằng không biết đó là kịch gì, nhưng giai điệu du dương, quyến rũ đó lại vô cùng mê hồn. Trong nhà hát, sân khấu được thiết kế theo phong cách phương Tây, những hàng ghế ở giữa và phía sau là những chiếc ghế sô pha mềm mại, nhưng các hàng ghế trước lại là những chiếc bàn Bát Tiên và ghế Thái Sư bằng gỗ, phong cách cổ điển dường như trở thành điểm nhấn mang tính tượng trưng ở đây. Sau khi kiếm được chỗ ngồi, quan sát các khán giả kịch ở xung quanh - biểu hiện trên gương mặt họ đều tỏ ra rất thư thái, nhẹ nhõm, không trau chuốt trong phong cách ăn mặc - trước khi bắt đầu biểu diễn có rất nhiều người nghiêng người to nhỏ nói chuyện với nhau, nhưng chỉ cần tiếng trống và chiêng vang lên thì mọi người liền im lặng, tập trung tinh thần xem biểu diễn, đắm mình vào trong diễn biến của các tình tiết trong vở kịch, ai nấy dường như đều biết trước khi nào sẽ có nhân vật nào lên sân khấu, và cũng biết rõ khi nào phải vỗ tay tán thưởng tài nghệ biểu diễn của diễn viên nào. Ngạc nhiên hơn nữa là cách thức biểu thị sự tán thưởng và khích lệ nồng nhiệt của người Trung Quốc đối với tài diễn xuất của diễn viên - bên cạnh việc vỗ tay còn la to lên “ao”! Sau khi hỏi người phiên dịch mới biết từ này có nghĩa là reo hò cổ vũ và khen thưởng khích lệ.
Người nước ngoài lần đầu tiên xem Kinh kịch đều cảm thấy Kinh kịch có khoảng cách rất xa vời và khó tiếp cận, nghe không hiểu và xem cũng không hiểu. Thực ra, nói gì đến người nước ngoài, ngay cả người Trung Quốc ngày nay cũng khó mà tiếp cận với Kinh kịch. Tuy nhiên chỉ cần chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các đặc điểm nghệ thuật và nội dung văn hóa bên trong của Kinh kịch, thì bạn phát hiện mọi thứ đều rất thi vị, không chừng khi đó, chỉ cần mỗi buổi sáng văng vẳng bên tai là những lời hát ê a, bạn sẽ phát hiện ra mình đã yêu bộ môn nghệ thuật này rồi.
Tuy rằng thời điểm ra đời của Kinh kịch chỉ cách nay không lâu, nhưng đối với người phương Tây mà nói thì Kinh kịch lại mang vẻ bí ẩn. Kinh kịch cắm rễ sâu trong lớp đất màu mỡ của nền văn hóa phương Đông, hoàn toàn khác biệt với hí kịch của phương Tây. Nếu bạn từng đến xem biểu diễn Kinh kịch ở Hội quán Hồ Quảng của khu Thành Nam Bắc Kinh hoặc ở Nhà hát kịch Chính Ất Tự thì sẽ có cảm nhận khác hẳn. Đối với những du khách nước ngoài mới đến Trung Quốc, phong cách cổ điển của hai nhà hát kịch này chính là một di tích văn hóa dân tộc để tìm hiểu Bắc Kinh nhiều hơn - hai nơi này vốn là địa chỉ cũ của Hội Kinh kịch cận đại - phong cách kiến trúc Trung Quốc truyền thống, những vật trang trí trong nhà hát đều mang dáng dấp cổ điển. Ngồi trong đó thưởng thức Kinh kịch, tuy rằng chỉ muốn hòa vào không khí náo nhiệt đó, nhưng lại thấm đượm cảm giác trang trọng, cổ điển.
Người nước ngoài lần đầu tiên xem Kinh kịch sẽ không khỏi ngạc nhiên: vì sao có một số diễn viên vẽ các hình mặt nạ màu đỏ, trắng, đen, vàng, xanh lá cây, xanh dương lên mặt? Chẳng lẽ đó là mặt nạ? Nhưng “mặt nạ” thường được đeo trên mặt, và khi bỏ mặt nạ ra thì sẽ là khuôn mặt của chính mình; nhưng kiểm phổ Kinh kịch lại không phải như vậy, kiểm phổ được vẽ thẳng lên mặt. Rất nhiều du khách nước ngoài không những cảm thấy ngạc nhiên, mà còn đi ra tận hậu đài xem diễn viên tẩy trang bằng cách nào; sau khi xem qua diễn viên tẩy trang, lần sau trước khi xem Kinh kịch lại muốn ra hậu đài xem diễn viên hóa trang. Pavarotti, ca sĩ giọng nam cao nổi tiếng thế giới quá cố đã từng nhờ các diễn viên Kinh kịch Trung Quốc vẽ kiểm phổ của nhân vật Bá Vương Tây Sở kiêu hùng Hạng Vũ.
Người Trung Quốc gọi những hình vẽ có màu sắc sặc sỡ trên mặt nhân vật hí kịch là “kiểm phổ”. Kiểm phổ là một hình thức thể hiện độc đáo trong lĩnh vực biểu diễn của hí kịch Trung Quốc, kiểm phổ gồm hơn 1000 loại, những kiểm phổ khác nhau sẽ mang hàm nghĩa khác nhau. Màu sắc chủ đạo trong kiểm phổ gồm đỏ, tím, trắng, vàng, đen, xanh dương, xanh lá, hồng, xám, nâu, vàng, bạc, dùng những màu khác nhau để vẽ ra những kiểm phổ khác nhau thì nhân vật sẽ mang những tính cách khác nhau. Các đường họa tiết vẽ trên mặt thường được vẽ bằng các màu sắc khác nhau để làm tôn thêm màu chủ đạo, khi hóa trang, màu vẽ thường pha chung với dầu để hình vẽ được giữ lâu hơn. Màu sắc được dùng để vẽ kiểm phổ đầu tiên là ba màu đen, đỏ, trắng. Theo nghiên cứu của nhà lý luận hí kịch Trung Quốc Ung Ngẫu Hồng (1909-1994): cùng với sự gia tăng của các tuồng kịch, để khuếch trương và phân biệt giữa các nhân vật hí kịch với nhau, ba màu đen, đỏ, trắng chủ đạo ban đầu đã không còn đủ dùng nữa, các chuyên gia nghệ thuật hí kịch thông minh đã tiếp thu từ các phần miêu tả của tiểu thuyết cổ điển và phần thuyết minh của các nghệ nhân để phát triển kho tàng kiểm phổ, ví dụ như bằng thủ pháp khoa trương, thay hình đổi dạng của nghệ thuật, dùng các màu sắc và đường nét để vẽ lại các hình tượng như “mặt như táo đỏ”, “mặt đen như than”, “mặt như dầu trắng”, “mặt vàng như nghệ”, “mặt xanh râu đỏ”, “râu đỏ mặt xanh dương”, và “đầu báo mắt vòng”, “mắt phượng mày ngài”, “mũi sư tử”, “mày chổi” lên mặt của các nhân vật hí kịch.
Xét trên chức năng hí kịch của kiểm phổ, dù nhân vật thuộc thể loại vai nào đều có thể vẽ kiểm phổ, khi cần thiết phải làm nổi bật hình tượng và diện mạo của nhân vật. Thường thì hai dạng nhân vật Tịnh và Sửu có nhiều kiểm phổ nhất. Thông thường, đối với những khán giả thích kiểm phổ thì đại đa số đều tập trung quan sát vai Tịnh, nhưng vai Sửu trong Kinh kịch mới là dạng vai đầu tiên được vẽ kiểm phổ trong lịch sử Kinh kịch. Vai Tịnh còn gọi là “Hoa kiểm” (mặt hoa), xét theo mặt chữ nghĩa là trên mặt vẽ lòe loẹt. Kiểm phổ của các nhân vật khác nhau cũng có sự khác biệt rõ nét. Nhưng so ra thì kiểm phổ của vai Sửu lại đơn giản hơn vai Tịnh, nhưng các nhân vật hàng Sửu lại đa dạng và phức tạp hơn nhiều, hiệu quả nghệ thuật diễn xuất cũng khá nổi bật so với vai Tịnh. Vì vậy kiểm phổ của vai Sửu vừa tinh tế và có chiều sâu hơn, không phải đơn thuần chỉ vẽ mấy “mảng đậu phụ” (mảng màu trắng to bằng một miếng đậu phụ được vẽ ở giữa mặt) mà thôi, và cho dù chỉ là vẽ “mảng đậu phụ” như nhau, nhưng vị trí vẽ và kích thước to nhỏ cũng sẽ mỗi người mỗi khác, và cũng tùy theo từng vở kịch.
Kiểm phổ là hình thức hóa trang để diễn viên Kinh kịch nhập vai nhân vật định sẵn, cách vẽ và hình vẽ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhân vật thể hiện, và không được vẽ lẫn lộn giữa các vai khác nhau. Trong đó, phương pháp vẽ lại thiên hình vạn trạng, mỗi kiểm phổ có nét kỳ diệu riêng. Một số kiểm phổ chỉ đơn thuần dùng tay chấm màu vẽ và bôi nhẹ lên mặt, không cần dùng bút kẻ các đường nét, ví dụ như trong các tuồng Võ hí, diễn viên đóng các vai anh hùng đều áp dụng cách vẽ này. Những tướng võ thông thường đa số đều phải vẽ mặt, nghĩa là dùng dầu trang điểm pha trộn các màu sắc khác nhau và vẽ lên mặt, màu sắc đậm nhạt, vòng mắt to nhỏ, lông mày thẳng hoặc cong, hoa văn biến hóa, lực vận bút mạnh nhẹ đều phải tuân theo chuẩn mực quy định, không được sơ suất; vai gian thần thì phải dùng mạt kiểm (mặt bôi, dùng tay bôi màu lên mặt) - lông mày được bôi đậm thêm, mắt vẽ hình tam giác, và vẽ thêm hai đường vân gian ác (giống như chân ruồi), bôi phấn lên mặt sao cho cả mặt có màu trắng xóa giống như bộ mặt giả, không được để lộ bộ mặt thật ra ngoài.
Kiểm phổ được vẽ tinh xảo, màu sắc rực rỡ, khuôn mặt có thể méo mó nhưng cũng có thể ngay thẳng, đường nét có thể thô hoặc mỏng, rất đa dạng. Kiểm phổ thể hiện nên tính cách tốt - xấu, trung trực - gian xảo, vừa có thể nói lên quan hệ huyết thống, tính cách, lại có thể nói lên thân phận của nhân vật, và cũng có thể gây nên sự chú ý của khán giả, từ đó bù đắp những thiếu sót về biểu hiện cảm xúc của diễn viên, do đó kiểm phổ là nét đặc trưng lớn của Kinh kịch. Kiểm phổ thể hiện tính cách, ví dụ như mặt đỏ thể hiện tính cách trung liệt, dũng cảm, chính nghĩa; mặt đen biểu thị sự thô bạo, hung dữ; mặt xanh dương biểu thị sự ngoan cường, dũng mãnh; mặt trắng biểu thị sự gian xảo, nham hiểm; “mặt đậu phụ” biểu thị sự a dua, nịnh bợ…; ngoài ra còn rất nhiều kiểm phổ mà không thể liệt kê ra hết, vừa có thể dùng các màu sắc khác nhau để vẽ nên các hoa văn khác nhau nhằm lột tả hết tính cách của nhân vật trong vở kịch, giúp khán giả có cái nhìn cụ thể hơn. Để biểu thị quan hệ huyết thống, có thể nhân vật cha con trong kịch sẽ được vẽ mặt cùng một màu, cách vẽ và hình vẽ sẽ to nhỏ khác nhau. Để biểu thị thân phận: nhân vật được vẽ màu vàng kim hoặc màu bạc không là tiên thì cũng là Phật; nhân vật được vẽ hình rắn, sâu bọ, cá, tôm thì chắc chắn sẽ là thủy quái hoặc sơn yêu; khuôn mặt lộ vẻ uy nghiêm đa phần là trung thần hoặc hiếu tử; mặt vẽ màu xanh lá hoặc xanh dương đều là những bậc anh hùng xuất thân trong tầng lớp nhân dân; vẽ “mắt eo”, “mày dùi cui” (nghĩa là ở giữa thô, phía dưới có hình tròn nhọn, phía trên rất nhọn, lông mày ngắn có hình dạng như chiếc dùi cui) cho nhân vật hòa thượng; kiểm phổ có mắt đen với vòng mắt nhỏ, miệng nhỏ chắc chắn sẽ là thái giám cung đình; bôi “miếng đậu phụ” màu trắng ở ngay giữa sống mũi đều là những vai phụ xuất hiện để chọc cười mua vui trong kịch. Kiểm phổ còn có thể mở rộng phạm vi diễn xuất của diễn viên, diễn viên có thể đóng luôn các vai động vật, không cần phải kéo trâu thật ngựa thật lên sân khấu, và diễn viên vừa lột tả được hết tính cách của vai diễn, lại vừa có thể nói chuyện được, thú vị vô cùng.
Qua nhiều năm phát triển, phương pháp vẽ kiểm phổ, kiểm phổ tiêu biểu cho cái gì, đặc điểm và quy trình vẽ đều có quy ước riêng, những khán giả quen thuộc chỉ cần nhìn mặt là biết ngay nhân vật nào trong vở kịch nào. Từ đó cũng thấy được quan điểm và xu hướng tình cảm đặc thù của người Trung Quốc đối với các nhân vật lịch sử. Ví dụ: Những nhân vật Kinh kịch mà người Trung Quốc quen thuộc như Tào Tháo, Nghiêm Tung được bôi trắng khuôn mặt để thể hiện tính cách gian xảo, nham hiểm; Quan Vũ thì mặt đỏ mang nét uy nghiêm, biểu thị tính cách trọng tình trọng nghĩa; Bao Chửng với khuôn mặt đen mày muôi (muỗng) ngụ ý thiết công vô tư. Kiểm phổ chính là bằng chứng phát triển hoàn thiện của thủ pháp tả ý ước lệ trong Kinh kịch, hiểu rõ ý nghĩa tượng trưng mà kiểm phổ muốn thể hiện sẽ giúp ích cho việc tìm hiểu cốt truyện của tuồng kịch. Sau khi kiểm phổ đã có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật biểu diễn hí kịch, mặt nạ vẫn chưa bị phế bỏ, ví dụ như khi diễn các vở kịch về đề tài cát tường và thần thoại vẫn còn “mặt nạ thần tài”, “mặt nạ thần sấm”..., vẫn còn tình trạng mặt nạ và kiểm phổ cùng xuất hiện trên sân khấu.
Đối với rất nhiều người nước ngoài, kiểm phổ trong Kinh kịch vô cùng thần kỳ, bí ẩn. Với tư cách là biểu tượng của văn hóa Kinh kịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang kiểu dáng kiểm phổ đang ngày càng thu hút sự chú ý của mọi người, thậm chí trong lĩnh vực thiết kế thời trang, các hình vẽ kiểm phổ cũng đã trở thành yếu tố thời thượng, bắt đầu xuất hiện trên sàn diễn thời trang, cùng với thời trang tiến bước vào cuộc sống của người hiện đại.
“Mỹ hầu vương” Tôn Ngộ Không là nhân vật hí kịch mà trên làng dưới xóm ai nấy đều biết ở Trung Quốc, là nhân vật chính trong tác phẩm tiểu thuyết dài tập Tây du ký nổi tiếng của Trung Quốc, người Trung Quốc rất thích chú khỉ thông minh, lanh lợi, chính nghĩa và gan dạ này. Mặt nạ và cây gậy như ý của Tôn Ngộ Không đều là những đạo cụ mà trẻ con sử dụng để bắt chước Mỹ hầu vương.
Hiện nay, những người mới đến Trung Quốc xem hí kịch, lần đầu tiên đa phần đều xem vở kịch về “Mỹ hầu vương” Tôn Ngộ Không. Trên sân khấu, các diễn viên mặc bộ hí phục màu vàng nhiều hoa văn sặc sỡ, khoa chân múa tay trông như đám khỉ con đang biểu diễn những động tác nhanh nhạy, linh hoạt, khiến cho người xem hoa cả mắt. Sau khi biểu diễn xong, nhân vật chính với đôi mắt được trang điểm óng ánh vàng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Từ năm 1926, bậc thầy Võ sinh Kinh kịch Dương Tiểu Lâu (1878 – 1938) và nghệ sĩ nổi tiếng chuyên đóng vai Tôn Ngộ Không Trịnh Pháp Tường (1892 – 1965) đã từng đến Nhật Bản diễn các vở kịch về Tôn Ngộ Không như Náo Thiên cung (câu chuyện về Tôn Ngộ Không đại náo thiên đình, khiêu chiến với thế lực thống trị chuyên quyền độc đoán, độc chiến với thiên binh thiên tướng), Thủy Liêm động (câu chuyện Tôn Ngộ Không chiếm núi xưng vương tại Thủy Liêm động Hoa Quả Sơn đều là những vở kịch nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả nước ngoài.
Hầu hí (dịch nghĩa: vở kịch về khỉ) có rất nhiều tuồng, tên kịch khác nhau thì tình tiết cũng khác nhau, cách diễn của mỗi diễn viên về nhân vật Tôn Ngộ Không cũng có sự khác biệt, ngay cả kiểm phổ cũng không giống nhau. Hầu hí trong Kinh kịch có nguồn gốc từ Côn khúc (một trong những loại hình kịch cổ đại của Trung Quốc, có từ khoảng thế kỷ XIII, XIV, có nguồn gốc từ khu vực Côn Sơn ở Tô Châu tỉnh Giang Tô, còn gọi là “Côn Sơn Khang”), lúc bấy giờ vai Tôn Ngộ Không đều do Võ sinh đóng, vì nhân vật này là một con khỉ thần, vừa phải diễn tả được sự thông minh, nhanh nhạy, hoạt bát, động tác nhẹ nhàng, linh hoạt của nhân vật, vừa phải có khí phách, thể hiện được những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Các bậc thầy Võ sinh Kinh kịch đều tuân theo nguyên tắc “người học khỉ, khỉ học người” để lột tả hết những kỹ xảo diễn xuất trong Hầu hí. Dương Tiểu Lâu và thân sinh của ông là Dương Nguyệt Lâu (1844 – 1889) và những Võ sinh nổi tiếng sau này như Lý Vạn Thanh (1911 – 1985), Diệp Thịnh Chương (1912 – 1966), Lý Thiếu Xuân (1919 - 1975), đều rất giỏi diễn Hầu hí. Từ năm 1937 đến năm 1942, Nhà hát kịch Bắc Kinh cũng nhờ Hầu hí mà tiếng tăm vang lừng, từng xảy ra cảnh tượng “Hầu vương đuổi nai” cạnh tranh khốc liệt giữa các đoàn kịch, chỉ một bộ tiểu thuyết Tây du ký đã cho ra đời biết bao nhiêu vở kịch hay, một số rạp hát kịch thậm chí còn chia Hầu hí làm nhiều phần liên tiếp để diễn, khi cuốn sách Thạch hầu xuất thế (kể về câu chuyện Tôn Ngộ Không xuất thế học nghệ) đầu tiên xuất bản, các đoàn kịch còn sử dụng hoạt cảnh thật và cố gắng tạo hiệu quả sống động như thật, nhưng khán giả Bắc Kinh thời đó chỉ xem trọng kỹ năng biểu diễn, không chú trọng bối cảnh, vì vậy không gây được tiếng vang lớn.