Trung Quốc là một quốc gia đa dân tộc với chặng đường lịch sử hơn năm ngàn năm, trong hành trình lịch sử không ngừng phấn đấu phát triển đó đã xuất hiện rất nhiều các lễ tết cổ truyền đặc sắc và mang từng nét độc đáo riêng biệt, trong đó quá trình hình thành đa dạng và nội dung phong phú. Các ngày lễ tết là sự kết tinh quan trọng giữa tinh thần và tình cảm của dân tộc Trung Hoa. Văn hóa lễ tết được bắt rễ sâu xa trong lòng mỗi người dân, có nguồn sống mới mẻ và dồi dào tinh lực, vượt qua chặng thời gian lâu dài, dần dần hình thành nên một phần di sản vô cùng quý báu trong nền văn hóa xán lạn của dân tộc Trung Hoa.
Khởi nguồn và quá trình phát triển của lễ tết là một chặng đường chậm và dài bắt đầu từ việc hình thành, hoàn thiện, đến thâm nhập vào trong cuộc sống xã hội; là sự đánh dấu việc xã hội loài người đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Sự tiến bộ của lực lượng sản xuất xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, sự xuất hiện của tôn giáo và các hoạt động xã hội đã góp phần tạo điều kiện cho việc sản sinh và phát triển của lễ tết. Nguồn gốc lễ tết cổ truyền của Trung Quốc phần lớn có liên quan đến nền tri thức không ngừng được hoàn thiện và phong phú trong các lĩnh vực như thiên văn, lịch, toán học; đặc biệt là sau khi các tháng trong năm được phân chia ra cụ thể, rõ ràng theo cách tính âm lịch thì càng có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với sự xuất hiện của lễ tết cổ truyền hơn. Đến thời nhà Hán (206 TCN - 220 SCN), một năm phân chia thành hai mươi tư tháng, cách thức phân chia này được cho rằng tương đối hoàn thiện. Sự phân chia các tháng trong năm đã tạo tiền đề cho việc sản sinh các ngày lễ tết, có nghĩa là trong suốt thời gian một năm, căn cứ vào các mùa được phân chia cũng như trình tự thay đổi của các mùa, con người thông qua quá trình lao động sản xuất của bản thân mà từng vùng từng khu vực hình thành nên các phong tục tập quán không giống nhau, đồng thời điều đó cũng đại diện cho các hoạt động thờ cúng tín ngưỡng với những tâm nguyện tốt đẹp của con người. Lễ tết của Trung Quốc cũng được hình thành chính trên cơ sở đó.
Phần lớn các ngày lễ tết của Trung Quốc đều được khởi nguồn và hình thành sơ bộ vào thời kỳ Tiền Tần (tức vào trước năm 221 TCN), ví dụ như: Giao thừa, Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thượng tỵ, Hàn thực, Đoan ngọ, Thất tịch, Trùng dương v.v.. Nhưng nét phong phú, đa dạng và sự phát triển phổ biến về nội dung của các phong tục tập quán trong các ngày lễ tết này lại là một chặng đường phát triển vô cùng lâu dài và chậm chạp. Thuở hình thành sơ khai của các phong tục tập quán này đều liên quan đến hoạt động thờ cúng tín ngưỡng hay các điều mê tín, cấm kỵ nguyên thủy. Đồng thời cũng có liên quan đến các câu chuyện thần thoại phong phú và đa dạng, góp phần tô vẽ thêm sắc màu lãng mạn cho các ngày lễ tết. Tôn giáo tín ngưỡng cũng tạo nên tố chất kích thích và có ảnh hưởng trong phạm vi chừng mực nhất định đối với lễ tết, ngoài ra còn xuất hiện thêm một số nhân vật lịch sử với ý nghĩa tượng trưng cho sự tồn tại vĩnh hằng cùng góp chung sắc màu vào bức tranh về các ngày lễ tết. Tất cả những nhân tố này đều hòa quyện thành tổng thể, cùng tồn tại bên trong nội dung của lễ tết, khiến cho ngày lễ tết của Trung Quốc mang đậm nét thiêng liêng của lịch sử và đậm đà bản sắc dân tộc.
Đến triều đại nhà Hán, các ngày lễ tết cổ truyền chủ yếu của Trung Quốc đều đã được định hình tương đối cố định. Nhà Hán là thời kỳ hoàng kim đầu tiên sau khi Trung Quốc thực hiện công cuộc thống nhất toàn đất nước, chế độ kinh tế, chính trị, xã hội ổn định, nền văn hóa, khoa học phát triển với tốc độ nhanh chóng, các nền văn hóa địa phương như nền văn hóa nhà Tần, văn hóa nhà Sở cũng như văn hóa nhà Tề Lỗ v.v.. lấy bề dày lịch sử truyền thống lâu đời làm nền tảng mà hòa quyện trong nhau, cùng góp phần thể hiện nét văn hóa mang đậm tính lịch sử xuyên suốt những triều đại này, hình thành nên một thể văn hóa thống nhất lấy văn hóa nhà Hán làm biểu tượng. Điều này cũng tạo điều kiện văn hóa xã hội tốt đẹp cho quá trình hình thành cuối cùng của các ngày lễ tết.
Lễ tết phát triển đến triều đại nhà Đường (tức khoảng thời gian từ năm 618 đến năm 907 SCN), đã được giải phóng ra khỏi vòng vây thần bí của những tập quán thờ cúng tín ngưỡng cũng như các điều cấm kỵ, trở thành các hoạt động mang tính chất vui chơi giải trí hoặc mang đậm hình thức lễ nghi, đồng thời cũng rất nhanh chóng trở thành một trào lưu được phổ biến sâu rộng. Từ đó, lễ tết được gắn với các ngày lễ hỷ, khánh tiết, thấm đượm sắc màu phong phú, trở thành ngày hội hay ngày lễ tết thật sự. Do các dân tộc không ngừng hiểu biết lẫn nhau mà hình thành sự giao lưu văn hóa lễ tết, cộng thêm quá trình phát triển và được truyền bá lan rộng của tôn giáo khiến cho nội dung của văn hóa lễ tết cũng không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Những phong tục tập quán này được phát triển một cách liên tục không ngừng, không bị suy thoái theo hành trình thời gian.
Các ngày lễ tết cổ truyền của Trung Quốc không chỉ là một bộ phận cấu thành quan trọng trong các hoạt động vui chơi giải trí cũng như trong nền văn hóa dân gian, mà còn là cơ hội quan trọng trong quá trình giao lưu giữa các lĩnh vực văn hóa và kinh tế mậu dịch. Hầu như mỗi một ngày lễ tết đều được coi là ngày hội về giao lưu kinh tế mậu dịch, cũng như được gọi là ngày hội về giao lưu văn hóa trong phạm vi tổng thể. Trong những ngày lễ tết này, các giới ngành nghề như công nhân, thợ thủ công hay nông dân đều trao đổi lẫn nhau về tư liệu sản xuất; cư dân thành phố thì cần cải thiện cuộc sống vật chất, giới văn nhân thi sĩ thì cần sáng tác các tác phẩm thơ ca, trao đổi học thuật, tác phẩm, và từ đó nhà nước ban hành quy định cho phép tiến hành một số hoạt động lễ hội với quy mô lớn, xác lập qui phạm các lễ nghi đạo đức và phát huy vai trò tuyên truyền và giáo dục.
Sự xuất hiện và phát triển của các ngày lễ tết cổ truyền là một quá trình kết tinh hội tụ mọi nét văn hóa lịch sử trên chặng thời gian lâu dài của cả một quốc gia và dân tộc. Trung Quốc là một quốc gia đa dân tộc, ngoài các ngày lễ tết cổ truyền đặc biệt quan trọng đối với dân tộc Hán, năm mươi lăm dân tộc thiểu số còn lại cũng đều có các phong tục tập quán mang bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo riêng biệt. Người hiện đại thông qua các phong tục tập quán về các ngày lễ tết lưu truyền từ xa xưa có thể hiểu một cách tường tận bức tranh phong phú đầy sắc màu về cuộc sống của tổ tiên thời cổ đại, quá trình tự trải nghiệm, tham gia và sáng tạo ra các nền văn hóa cũng như các ngày lễ tết, đã khiến cho nền văn hóa ưu tú, tinh tế của Trung Quốc không ngừng được bảo lưu, lan truyền và phát huy xán lạn.
Do sự phát triển xã hội và sự tiến bộ của thời đại, quan niệm tư tưởng, hình thức trải nghiệm và thú vui về cuộc sống cũng đã có những biến đổi quan trọng. Văn hóa các ngày lễ tết của Trung Quốc cũng không ngừng được phát triển và đổi mới theo hành trình thời gian tương ứng với nó. Một số ngày lễ tết cổ truyền quan trọng trong đó đặc biệt là các ngày lễ tết như: Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu vẫn đang được lưu truyền sâu rộng trong dân gian. Bên cạnh đó, một số lượng nhỏ các ngày lễ tết khác lại dần dần bị mai một, từ đó bị loại ra khỏi cuộc sống đời thường hằng ngày của nhân dân. Trong những năm gần đây, các ngày lễ tết với nguồn gốc từ phương Tây đã dần dần xâm nhập vào đất nước Trung Quốc, như lễ Tình nhân, ngày Cá tháng tư, Ngày của mẹ, lễ Giáng sinh v.v.. Những lễ tết mang đậm tính "hải ngoại" này đã góp phần tạo nên những phương thức biểu đạt tâm tư tình cảm mang màu sắc tươi mới của người Trung Quốc, đặc biệt được thịnh hành sâu rộng trong giới trẻ tại các thành phố Trung Quốc.
Cùng với chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao và phong cách sống cũng ngày một thay đổi theo hướng phát triển hoàn thiện của loài người trong xã hội hiện đại, phương thức tổ chức chúc mừng trong các ngày lễ tết cũng theo đó mà xuất hiện những biến đổi tương ứng, đó là sự kết hợp đan xen lẫn nhau giữa nét cổ truyền và hiện đại. Có một bộ phận người dân không còn hài lòng với các phương thức tổ chức chúc tụng trong các ngày lễ tết với phong tục tập quán cổ truyền mang tính chất bảo thủ lạc hậu nữa, họ bắt đầu tìm kiếm, theo đuổi một phương thức đón lễ tết mới đơn giản gọn nhẹ, mang tính vui chơi giải trí nhiều hơn. Những phương tiện hiện đại như Internet, điện thoại di động đã được sử dụng để biểu đạt tâm tư, tình cảm hay những lời chúc tốt đẹp. Các ngày lễ tết của Trung Quốc và cuộc sống trong các ngày khánh tiết của người dân Trung Quốc cũng từ đó ngày một trở nên phong phú, đặc sắc.
Lễ tết của Trung Quốc vô cùng nhiều, chính vì số lượng quá nhiều nên quyển sách này chỉ có thể lựa chọn giới thiệu những ngày lễ tết chủ yếu. Tất cả những ngày kỷ niệm này đều khắc họa đậm nét lịch sử phát triển của xã hội và dân tộc, đồng thời tô màu điểm sắc cho cuộc sống tốt đẹp của ngày hôm nay.