Bước vào vườn cảnh Trung Quốc, bạn sẽ bị thu hút bởi nét đặc thù của văn hóa phương Đông: so với kiểu vườn cảnh phương Tây thì nó tạo cho ta có cảm giác nhỏ nhắn tinh tế, khúc chiết hàm súc và yên ả hơn; so với phong cảnh thiên nhiên, nó có tính nhân văn hơn, từng hòn đá cành cây đều lan tỏa tính nhân văn trong đó. Nét đẹp vườn cảnh Trung Quốc thể hiện ở sự đan quyện của văn hóa và nghệ thuật. Vườn cảnh hoàng gia miền Bắc vừa có hình ảnh của chiếc cầu dòng nước, đường mòn tĩnh lặng, vừa mang dáng dấp của quần thể kiến trúc cung đình nguy nga tráng lệ, thể hiện khí phách của hoàng gia, nơi tiêu biểu còn lại có thể kể đến là Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Những vườn cảnh tư gia vùng Giang Nam như Lưu Viên, Chuyết Chính Viên, Võng Sư Viên... đã thể hiện sự khác biệt so với vườn cảnh ở miền Bắc bằng phong cảnh thiên nhiên với với ưu thế của thảm thực vật; những vườn cảnh này đa phần thuộc về quan lại, thương nhân và văn nhân, chúng kết hợp với khu nhà ở tạo thành những hoa viên vừa có phòng ngủ, phòng khách, thư phòng, vừa có phong cảnh thiên nhiên với những đình đài, lầu các, hành lang, thủy tạ, non nước, cây cỏ. Kích thước của chúng không quá lớn, nhằm thể hiện việc mô phỏng cái hồn của non nước trong tự nhiên. Việc tạo dựng lâm viên trong lòng đô thị nhằm thể hiện ý họa hồn thơ, thể hiện khuynh hướng né tránh trần gian thế tục, thư thái thả hồn trong phong cảnh thiên nhiên. Tuy vườn cảnh có nhiều loại, nhưng chúng đều bộc lộ cách sống an nhàn, tự tại và hạnh phúc của cuộc đời. Có thể nói, đây là nghệ thuật của cuộc sống, trong một chừng mực nào đó, nó phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan, cách sống, khuynh hướng nhân cách, đặc điểm thẩm mĩ của nhiều giai tầng trong xã hội Trung Quốc.
Trung Quốc thời cổ đại, trên là đế vương, dưới là tầng lớp khá giả, đều xem vườn cảnh như là không gian thú vị đáng để thưởng thức trong cuộc sống. Mọi người bàn việc, thết đãi tân khách, săn bắn, vui chơi, đọc sách, tranh luận, thưởng trà, vịnh khúc, ngâm thơ, vẽ tranh... dần dà nét văn hóa vườn cảnh được cô đọng sâu lắng. Với việc ngày càng nhiều những văn nhân tao nhã trực tiếp tham gia tạo dựng vườn cảnh cùng các chủ vườn đã làm xuất hiện một số sách lý thuyết viết về xây dựng vườn cảnh. “Viên Dã” do Kế Thành (1582 - ?), người đời Minh (1386-1644) sáng tác là tác phẩm xuất sắc trong số đó. Cuốn sách đề cập đến kỹ thuật xây dựng vườn cảnh và kiến thức vườn cảnh, tổng kết kinh nghiệm xây dựng vườn cảnh cùng với phần trình bày và phân tích lý luận về xây dựng vườn cảnh, nó trở thành chiếc cầu nối để người đời nay đi vào tìm hiểu qui tắc xây dựng vườn cảnh cổ đại Trung Quốc. Bằng sự phối hợp giữa văn nhân và người thợ trong lý thuyết và thực hành, nghệ thuật vườn cảnh Trung Quốc vốn chỉ thể hiện yếu tố mĩ học thiên nhiên đặc sắc đã trở thành hình mẫu của văn hóa cổ điển Trung Quốc.
Nghệ thuật vườn cảnh Trung Quốc chú trọng đến việc xây dựng nội hàm, mối liên hệ giữa ngọn núi, dòng nước, cỏ cây, kiến trúc và không gian tạo thành trong vườn cảnh không chỉ là một môi trường vật chất, mà còn là một môi trường tinh thần. Người xây dựng thông qua tính tượng trưng và phép so sánh, hướng đến cảnh giới thi ca hội họa, tập hợp danh lam thắng cảnh các nơi, và cả cách thức xây dựng chùa chiền cổ tự, tửu quán phố phường trong thiên nhiên, hướng đến cảnh giới mĩ học trang nhã của tự nhiên, giúp vườn cảnh và văn học, hội họa, hý khúc cổ đại Trung Quốc liên kết mật thiết với nhau, sự sâu lắng trong đó chính là nét tinh tế của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Là loại hình văn hóa và nghệ thuật truyền thống, vườn cảnh cổ điển Trung Quốc không những có sức sống mãnh liệt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nước lân cận là Hàn Quốc và Nhật Bản. Vườn cảnh cổ đại Nhật Bản mang sắc thái dân tộc đậm nét, trong quá trình phát triển vẫn không ngừng tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của vườn cảnh cổ điển Trung Quốc. Vào ngày cuối cùng của tháng 12 năm 1699, cung điện nước Pháp từng đón một thiên niên kỷ mới bằng nghi thức của ngày lễ lớn Trung Quốc, lịch sử văn hóa châu Âu cũng từng xuất hiện một từ thu hút sự quan tâm của nhiều người - Chinoiserie, tức “Phong cách Trung Quốc”. Gốm sứ, giấy tường, tranh thêu, trang phục, vật dụng, kiến trúc... của Trung Quốc có một thời làm say mê nhiều nước châu Âu mà Anh và Pháp là hai nước tiêu biểu.
Nghệ thuật vườn cảnh Trung Quốc nhờ đó lan truyền đến châu Âu, nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Anh, Pháp, ngoài ra còn có Đức, Thụy Điển và Nga, vườn cảnh kiểu hình học truyền thống của châu Âu bắt đầu chuyển sang kiểu vườn cảnh thiên nhiên.
Vườn cảnh cổ điển Trung Quốc đã hình thành và phát triển thế nào? Vườn cảnh Trung Quốc có mấy loại, chúng có những đặc trưng gì? Trong suốt thời kỳ lịch sử phát triển của vườn cảnh Trung Quốc đã tích lũy những kinh nghiệm và hình thành lý thuyết xây dựng vườn cảnh như thế nào? Trước tiên, chúng ta hãy bước vào Vườn cảnh Trung Quốc để tìm hiểu.