Ở nước ta hiện nay, việc học tập và nghiên cứu tiếng Hán - chữ Hán với tính cách là một sinh ngữ hay cổ ngữ đang ngày càng được sự quan tâm rộng rãi của nhiều người. Dù mục đích có thể khác nhau, học để nói năng giao dịch hay để nghiên cứu sách vở, việc học tập chữ Hán chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thực tế, trước hết là khả năng sử dụng chính xác, vận dụng thích đáng những từ ngữ gốc Hán thường được gọi dưới cái tên chung là từ Hán Việt vốn rất phong phú về mặt số lượng trong kho ngôn ngữ tiếng Việt.
Để phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, từ hơn nửa thế kỷ nay, chúng ta đã có một số từ điển Hán Việt, lưu hành rộng rãi, nhất là các công trình của hai tác giả Đào Duy Anh (Hán Việt từ điển, in lần thứ nhất năm 1932) và Thiều Chửu (Hán Việt tự điển, in lần thứ nhất năm 1942). Cả hai công trình rất đáng trân trọng này có thể được coi là tiên phong được biết tới nhiều nhất, lập nền tảng cho nhiều tự điển / từ điển của nhiều soạn giả khác lần lượt ra đời thêm sau này, tính ra đã có đến số vài chục.
Tuy nhiên cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa có một chuyên thư nào dành riêng để tìm hiểu kỹ về các loại tự điển - từ điển Hán Việt đã xuất hiện tại Việt Nam, cũng như các loại sách công cụ liên quan dùng để tra cứu, nhằm phục vụ bổ sung cho nhu cầu tham khảo, học tập chữ Hán đang ngày càng gia tăng như hiện nay.
Trên cơ sở nhận thức hiện trạng như trên, chúng tôi nghĩ đến việc tập hợp một số bài viết đã từng được đăng lần lượt trên sách chuyên đề Suối Nguồn của Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang (thuộc Tu viện Huệ Quang do cố Hòa thượng Thích Minh Cảnh làm viện chủ), để làm thành cuốn sách này.
Sách sẽ điểm qua hầu như tất cả những bộ tự điển - từ điển Hán Việt đã xuất hiện ở Việt Nam từ khởi thủy cho đến hiện tại, khởi đầu từ những công trình tiên phong có trước cả hai bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932) và Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (1942); rồi lần lượt giới thiệu sơ lược theo thứ tự thời gian xuất hiện sau đó hầu hết những bộ tự điển - từ điển Hán Việt tiêu biểu đã ghi nhận được, kể từ bộ Từ điển Trung Việt của Văn Tân trở đi. Những quyển nhỏ không đáng kể trước đó thì chỉ xin lược qua cho biết. Mục đích là để giúp cho người đọc có được cái nhìn tổng quan về lịch sử phát triển của tự điển - từ điển Hán Việt tại Việt Nam, đồng thời biết được trong kho tự điển - từ điển Hán Việt đã có được những công trình gì, đặc điểm ra sao, như một cách hướng dẫn để trang bị công cụ học tập, tra cứu chữ Hán khi cần. Một số nhận xét, đánh giá ngắn gọn thỉnh thoảng được đưa vào hoàn toàn không có ý khen chê hay bôi bác cá nhân, mà chỉ nhằm giúp cho những người sử dụng tiềm năng, những bạn trẻ mới bắt đầu học tập, có thêm cơ sở để cân nhắc, lựa chọn. Sự trình bày tường lược khác nhau cũng vậy, không có ý thiên vị, vì chỉ cần tập trung vào một số công trình có tính đại diện cho từng loại.
Khái niệm tự điển - từ điển Hán Việt đề cập trong sách này bao gồm những tự điển hoặc từ điển chữ Hán đối chiếu - giải thích bằng chữ Việt dưới dạng chữ quốc ngữ thông dụng hiện đại. Tuy nhiên, nếu truy đến cội nguồn sâu xa thì các loại tự điển - từ điển này vốn đã có một lịch sử lâu dài, khởi đầu từ một số tự điển Hán Nôm mà ngày nay còn lưu truyền hoặc còn ghi nhận được. Vì vậy, để nắm biết lịch sử vấn đề, trước khi đi vào phần chính giới thiệu các từ điển Hán Việt đã có từ trước đến nay, tưởng cũng nên nhắc lại một số tự điển - từ điển hoặc sách từ vựng đối chiếu Hán Nôm đã từng xuất hiện trong quá khứ, và được coi như tiền thân của các loại tự điển - từ điển Hán Việt hiện đại.
Ngoài tự điển - từ điển đối chiếu Hán-Việt/ Việt-Hán, còn có nhiều loại sách công cụ để tra cứu khác, liên quan đến mọi ngành học thuật (như Phật học, y - dược và các khoa học khác), các loại từ điển - sách công cụ Hán ngữ của Trung Quốc, cũng là những nội dung được đề cập trong sách này.
Cuối sách, chúng tôi đưa thêm một phần Phụ lục, gồm 2 bài viết, mà chúng tôi nghĩ sẽ có lợi ích thiết thực ít nhiều cho độc giả, liên quan đến việc nghiên cứu, học tập chữ Hán. Ngoài ra, còn có một bảng tra để tiện dụng cho người sử dụng sách mỗi khi cần tra tìm tên các tác giả và tác phẩm.
TRẦN VĂN CHÁNH
11.2018