LỊCH SỬ LÍ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ KHỞI ĐẦU ĐẾN THẾ KỶ XX
Ngay sau khi văn học ra đời đã nảy sinh những câu hỏi như: văn học là gì, nó có vai trò gì trong đời sống xã hội, cần làm sao để có thể phát triển? Những câu hỏi như thế, tức là dạng “lí luận” văn học sơ khai, lúc đầu có lẽ tiềm tại trong ý nghĩ, sau đó hiển ngôn bằng các hình thức văn bản khác nhau, thể hiện những cách hình dung về văn học. Văn học là một hiện tượng lịch sử, nó biến đổi theo thời gian, những thể loại, những lối viết nào đó mất đi, những thể loại mới, lối viết mới hình thành. Sự hình dung về văn học, cả những cách thức nhằm thúc đẩy nó phát triển cũng biến đổi theo. “Lí luận” và “phê bình", như vậy, cũng là một hiện tượng lịch sử. Trong một nền văn học, bên cạnh bộ phận sáng tác còn có bộ phận lí luận, phê bình, chúng gắn bó và tương tác với nhau, khi mạnh khi yếu nhưng luôn cần cho nhau. Chỉ có thể hiểu được đầy đủ một nền văn học nếu như nắm được cả hai bộ phận này. Ở ta đã có nhiều sách viết về lịch sử văn học dân tộc, có những cuốn sách tốt. Trong đó, ngoài việc mô tả kĩ lưỡng phần “thực tế văn học, tức là các sáng tác văn thơ, phần lí luận, phê bình, như là bình diện thứ hai, nhiều khi cũng đã được đề cập đến. "Cuốn sách này trước hết nhằm theo dõi sự thay đổi của những quan niệm văn học và phương pháp tiếp cận sáng tác văn học qua các giai đoạn. Tuy vậy, cũng không thể bỏ qua những sự kiện quan trọng khác của đời sống lí luận, phê bình, chẳng hạn như những cuộc tranh luận văn nhọc, các sự kiện xã hội, văn hóa, văn học có tác động mạnh đến đời sống lí luận, phê bình văn học một thời" - trích Lời mở đầu.