Mặt Trời Trong Suối Lạnh
“Mặt trời trong suối lạnh” - lạc lõng, cô độc và khát khao thấu hiểu đến thế!
Nguyễn Phương Văn đã hoá thân xuất thần vào các nhân vật trong chuyện của mình, vào Sanh, Giang, Li, Quyên, Di… khiến họ bứt mình bước ra khỏi trang sách, tái hiện một cách chân thực thế giới của những người trẻ trong thế kỷ XX - thời kỳ Việt Nam có nhiều biến động về chính trị.
Tác giả phô diễn nỗi sợ ngàn đời vẫn âm ỉ cháy trong trái tim của mỗi người trẻ - sợ không được “chạm vào”, được giãi bày và sẻ chia. Nó là một phần của tuổi trẻ, ở bất kỳ thời kỳ nào.
Những người trẻ trong “Mặt trời trong suối lạnh” không thể chống lại hiện thực khốc liệt, không thay đổi được hướng đi của thời đại, họ chỉ đành thả mình trôi vô định trong nỗi buồn và mông lung về hiện thực. Có lẽ điều duy nhất khiến họ cảm nhận được sự hiện hữu của mình là trong những lần gần gũi với người tình, đắm mình trong khoái lạc của thể xác.
Sự cô độc của nhân vật này nối liền nhân vật khác, tựa như trò chơi domino không có điểm kết thúc. Ta cảm nhận được sự hoang tàn, lạc lối, lại thấu suốt được bối cảnh đầy biến động của thời đại lúc bấy giờ.
TÌNH YÊU là một trong những điều cứu rỗi linh hồn, là cầu nối để hơi ấm người với người được gần gũi nhau hơn.
Khép lại những trang cuối trong “Mặt trời là suối lạnh”, ta hiểu được nỗi thống khổ những người trẻ thời kỳ cha ông ta. Họ gánh trên vai mình kỳ vọng của những người đi trước, dắt díu thế hệ đàn em đi sau. Có nhiều lúc họ nhận ra mình đã đánh mất chính mình.
Nhưng trong thời đại biến động đó, có người bị nỗi sợ chèn ép và rơi xuống “đầm lầy”, nhưng cũng có người lạc quan, dũng cảm sống tiếp và kiếm tìm ý nghĩa thực sự của tự do và tình yêu.
“Mặt trời trong suối lạnh” - Cho tuổi trẻ cô độc và điên cuồng.