Kỹ sư cao cấp phan Khánh vốn là một nhà khoa học thủy lợi yêu thích lịch sử, có nhiều duyên nợ với nghề văn. Dẫu không phải là nhà văn chuyên nghiệp, song ông có một sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ với hơn hai mươi tác phẩm. Nhà văn ma Văn Kháng từng nhận xét trong Lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết Đỗ Thích kỳ án: “Sáng tác của cây bút phan Khánh có khuynh hướng chuyên sâu về lịch sử. Đặc điểm này phản ánh ưu thế trội trong học vấn, tài năng, tính cách của ông. Thông thạo lịch sử, giàu có về ngôn ngữ, minh triết về tư duy, ưa thích khám phá chiều sâu hiện thực và có một trí nhớ siêu thường đáng được gọi là cường ký”. Ở tuổi 85, ngòi bút của ông vẫn sắc sảo và giàu cảm xúc trong từng trang viết của tiểu thuyết Làng quê thương nhớ mà quí độc giả đang cầm trên tay.
Ra đi từ thời trai trẻ, ngược xuôi khắp nẻo đường nam bắc đông tây; lúc đối mặt với sự sống và cái chết trong gang tấc nơi chiến trường, khi miệt mài trong cuộc mưu sinh và bây giờ đã về hưu vui vầy bên con cháu... trong ông vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương. cũng chính bởi trí nhớ “cường ký” nên ông không thể quên ký ức đầy ám ảnh về những ngày đói quay đói quắt năm Ất Dậu; về không khí hồ hởi đi hiến vàng mà vui như được cho vàng trong buổi đầu độc lập; về không khí khác thường ở làng quê trong những ngày cải cách ruộng đất... tất cả vẫn sống động, vẫn vẹn nguyên trong tâm trí, thôi thúc ông
cầm bút ghi lại để con cháu đời sau hiểu được một thời đoạn sôi nổi, đầy biến động của lịch sử nước nhà.
Nhiều nhân vật, tình tiết trong Làng quê thương nhớ được xây dựng từ cái lõi người thật việc thật, từ những gì mà chính tác giả đã chứng kiến, đã trải qua, do đó tình tiết truyện vừa sống động, bất ngờ - bất ngờ như chính cuộc đời này - vừa gần gũi, chân thực. Đọc cuốn sách có cảm tưởng như đang xem một bộ phim dài tập, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: uất nghẹn khi đọc những trang viết về nạn đói năm ất Dậu lúc bọn nhà giàu ghim hàng trăm tấn thóc, nhất quyết không bán ra, khiến 156 đồng bào làng bài chết đói; bàng hoàng, ngơ ngác khi người mẹ thấy con chạy tới xin ăn đã nuốt vội miếng bánh đang cầm trên tay, mặc cho ba đứa con gào khóc đến chết vì đói; xúc động khi những cán bộ làng bài đi họp đã giành ăn mo cau toàn khoai luộc của bà hà Duyên để chia sẻ với bà phần cơm của họ; và sẽ có không ít lần bật cười trước những câu chuyện hài hước, dí dỏm...
Làng quê thương nhớ có rất nhiều nhân vật, trong đó có những đảng viên chân chính, gương mẫu, được nhân dân tin yêu như đồng chí Bí thư Hai Méo, bà “Phụ nữ đỏ” Hà Duyên, cấp ủy viên hoe Báu... Và cả những kẻ mang danh Đảng viên nhưng cơ hội, mượn gió bẻ măng, đục nước béo cò như Lê Hồ Nam, dái Cương, Nuôi lé... Thời cuộc đổi thay, có khi những kẻ cơ hội, dốt nát dường như thắng thế, gây ra không ít chuyện xấu xa, đau lòng; nhưng cuối cùng, những gì hợp với lẽ phải, hợp với lòng dân sẽ chiến thắng; sau những sai lầm, ấu trĩ, chuệch choạc buổi đầu, sẽ là sự chín chắn, trưởng thành. Đó là niềm tin mà Làng quê thương nhớ gieo vào lòng người đọc. Đây thực sự là cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn, đọng lại nhiều ấn tượng, suy tư.
Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh