Chỉ 200 trang nhưng cuốn sách khiến độc giả có cảm giác nặng tay, vì mang lại nhiều nghĩ suy đầy gợi mở về một thể loại sáng tạo không dễ tiếp nhận. “Thi ca nết đất” ghi chú “25 gương mặt nhà thơ Việt Nam hiện đại” mà thực chất giúp công chúng hình dung cả một chặng hành trình của thơ Việt qua góc nhìn thẩm mỹ trẻ trung và thú vị.
Ưu điểm vượt trội trong “Thi ca nết đất” là sự thẳng thắn. Trong lúc làng thơ đang ngập tràn những lời ve vuốt, thì những nhận định nghiêm túc của Lê Thiếu Nhơn bỗng có sức lay động. Ví dụ, nhận định về thơ Vũ Quần Phương: “Ông luôn thể hiện năng lực bác sĩ trong nghề thơ, ông tự bắt mạch cho cảm xúc của mình, rồi ông tự chữa bệnh cho chữ nghĩa của mình. Vì ông nghĩ nhiều quá, khiến nhiều hình tượng cứ khô cong lại. Công bằng mà đánh giá, Vũ Quần Phương có nhiều câu thơ tài hoa. Dĩ nhiên, một người tinh tế như ông thì biết ngay đó là những đứa con tinh thần quý giá, nhưng ông sợ chúng bị cảm gió hay bị ho khan, nên làm thêm rất nhiều câu thơ bình thường để che chắn”. Ví dụ khác, nhận định về thơ Lê Văn Ngăn: “Chính vì chủ tâm kể chuyện dưới bóng quê nhà, Lê Văn Ngăn đã đặt ông và độc giả vào ranh giới mong manh giữa thơ và kịch thơ... Tôi thực sự ái ngại khi chứng kiến nỗi run rẩy mát lành của nhà thơ Lê Văn Ngăn mải mê chuồi theo nhân tình thế thái, khiến không ít bài thơ của ông phải khuân vác bao nhiêu chữ nghĩa mang hương vị của thi ca chứ không phải câu thơ như mong muốn”.
Với “Thi ca nết đất”, thơ Việt Nam được một dịp ngoảnh lại để điểm danh và tôn vinh. Và với “Thi ca nết đất”, văn chương nước ta có thêm một nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn nhiều ưu tư: “Một nhà thơ không còn thao thức với lương tri bền bỉ, không còn thao thức với đức hạnh thăm thẳm, không còn thao thức với mệnh kiếp long đong, thì chất thơ cũng tan biến như đám mây hững hờ trôi qua khung cửa muộn phiền!”
Thanh Tùng
Trích “Thi ca nết đất” và thẩm mỹ hiện đại