close

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ BẢO VỆ BẢN QUYỀN SÁCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG


Chiều 15.9 tại TP.HCM, hội thảo quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng", do Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Hội Xuất bản VN, Cục Xuất bản, in và phát hành, Sở TT-TT TP.HCM đồng tổ chức, là dịp để ngành xuất bản nhận diện thực tế, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hiến kế nhiều giải pháp trong việc bảo vệ bản quyền sách thời đại số đang "phủ sóng" toàn cầu.

 

 

 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN Nguyễn Nguyên cho rằng: "Chính sự phát triển như vũ bão của internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, đơn vị xuất bản có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn, trong khi năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, các NXB và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế khiến tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng trở nên nghiêm trọng, với hình thức tinh vi, phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia ASEAN".

 

Thực trạng các trang web lậu "nở rộ", hoạt động ngang nhiên, đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang thương mại điện tử thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... không có giới hạn địa lý, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc NXB Trẻ Phan Thị Thu Hà bức xúc: "Sách giả, sách kém chất lượng được quảng cáo và "núp bóng" dưới các tên gọi "thanh lý", "dọn kho", "giảm giá lớn"…, với giá bán chỉ 1/2, thậm chí 1/3 so với sách thật. Họ còn ngang nhiên phát sóng trực tiếp đọc sách trên mạng để tăng tương tác, tóm tắt, đánh giá (review) sách. Nhiều trường hợp tùy tiện dịch sách được bảo hộ tác quyền nhằm mục đích xuất bản sách giả, kinh doanh thương mại, mà giá thành những sách vi phạm bản quyền này không bao gồm chi phí tác quyền nên giá bìa rất thấp…, bất chấp các quy định".

 

 

 

Theo ông Nguyễn Nguyên, hành vi vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng hiện có 3 hình thức phổ biến: bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến; sử dụng các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên internet, các mạng xã hội phổ biến... để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn ); lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ AI để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

 

 

 

Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines Atty.Dominador D.Buhain cho rằng: "Vấn đề giáo dục rất quan trọng để thay đổi nhận thức thích xài sách rẻ của độc giả, tiếp đó là tạo ra cơ chế và những quy định mới chế tài. Các chủ sở hữu bản quyền có thể yêu cầu quyền thực thi quyền sở hữu trí tuệ chặn các trang web vi phạm bản quyền, đồng thời cung cấp các yêu cầu bảo vệ cho các tác phẩm của mình".

 

Các ý kiến cũng đề nghị nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ và không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ. Toàn xã hội đồng thanh nói không với sách giả, sách lậu, nhất là trên không gian mạng với sự can thiệp mạnh tay và kịp thời của công nghệ. Nguồn nhân lực cũng là vấn đề nóng được đặt ra, vì phát triển nhân lực số chính là giải pháp cực kỳ quan trọng để bảo vệ bản quyền sách hữu hiệu. 

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...